MENU TOP TITLE V A Nông nghiệp bền vữngBiến đổi khí hậuHoạt động mạng lướiVận động chính sáchSự kiện

Nâng cao năng lực cho xã hội dân sự tham gia vào tiến trình VPA/FLEGT

Trong hai ngày 16-17/7/2012, với vai trò Điều phối viên của Mạng lưới các Tổ chức Phi chính phủ Việt Nam và Chương trình Thực thi Lâm luật, Quản trị Rừng và Thương mại Lâm sản (VNGO&FLEGT), Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) đã phối hợp cùng với FERN Forest Nursery tổ chức hội thảo với chủ đề "Tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội dân sự trong tiến trình VPA/FLEGT". Hội thảo do Cơ quan Phát triển Quốc tế Vương Quốc Anh (DFID) tài trợ đã thu hút sự tham gia của hơn 50 đại biểu và chuyên gia đến từ Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam (VNForest), Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), Viện Lâm nghiệp châu Âu, và một số tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự trong nước và quốc tế tại Việt Nam.

Qua các bài trình bày và hoạt động thảo luận cùng với các chuyên gia, các đại biểu đã nắm bắt được hiện trạng rừng ở Việt Nam, các hiệp định đối tác tự nguyện (VPAs), được xây dựng nhằm thúc đẩy quản trị lâm nghiệp hiệu quả, phát triển ngành công nghiệp gỗ hợp pháp đồng thời đấu tranh chống lại nạn khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp. Các đại biểu cũng nắm được tiến trình đàm phán VPA/FLEGT giữa Chính phủ Việt Nam và EU, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác. Vai trò của các  cộng đồng địa phương và xã hội dân sự trong hoạt động quản trị lâm nghiệp cũng như trong tiến trình VPA/FLEGT được ghi nhận. Bên cạnh đó, các lựa chọn cấp tài trợ cho các hoạt động hiện đang được triển khai cũng được làm rõ nhằm đảm bảo tiến trình này không gây tác động tiêu cực đến các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng. 

IMG 1205

Khóa tập huấn nâng cao năng lực đầu tiên của Mạng lưới đã thu hút sự tham gia của rất nhiều đại diện các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế

Các đại biểu cũng đã thảo luận về cơ cấu, lập kế hoạch hoạt động cho Mạng lưới và các thành viên thuộc Mạng lưới ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam cũng như đưa ra cách thức phối hợp với các cộng đồng địa phương. Các đại biểu đã thông qua kế hoạch hành động ngắn hạn và một số hoạt động khởi động nhằm tăng cường mạng lưới. Một trong những hoạt động quan trọng nhất của kế hoạch hành động này là tham vấn cộng đồng, dự kiến được triển khai vào tháng 9 và tháng 10 năm nay. Mạng lưới sẽ xây dựng một cuốn cẩm nang tham vấn cộng đồng trước khi tiến hành các hoạt động tham vấn với các tổ chức cấp cơ sở và các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng nhằm đánh giá tác động của FLEGT.

Sự tham gia nhiệt tình và đóng góp của các tổ chức xã hội dân sự trong hội thảo này đã thể hiện cam kết của các tổ chức trong tiến trình FLEGT/VPA nhằm đảm bảo quyền lợi hợp thức của các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng. Mạng lưới khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và mong muốn nhận được sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ quốc tế trong vai trò quan sát viên. Các đại biểu được khuyến khích chia sẻ các thông tin và tích cực tham gia vào mạng lưới.

Để biết thêm các thông tin về tiến trình FLEGT/VPA tại Việt Nam và các kinh nghiệm quốc tế, xin vui lòng xem website http://loggingoff.info/ hoặc địa chỉ website Hỗ trợ đối tác Lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn http://www.vietnamforestry.org.vn.

Xin vui lòng liên hệ trung tâm SRD hoặc Điều phối viên VNGO-FLEGT - Bà Phạm Thị Bích Ngọc (số điện thoại: 04 3943 6678 hoặc email:  This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. ) để biết thêm thông tin nếu Quý vị mong muốn trở thành thành viên của Mạng lưới.

Chú thích: FLEGT là một giải pháp được Liên minh châu Âu đưa ra nhằm giải quyết vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp thông qua thúc đẩy nền công nghiệp gỗ hợp pháp và loại bỏ nhu cầu về các sản phẩm gỗ bất hợp pháp. Từ tháng 3 năm 2013, tất cả các sản phẩm gỗ được nhập khẩu và giao thương trong khu vực EU sẽ được thẩm định để đảm bảo gỗ đã được khai thác một cách bền vững. Là quốc gia xuất khẩu các sản phẩm gỗ lớn (gỗ thường có nguồn gốc từ các quốc gia khác trong khu vực) tới các thị trường đề cao vấn đề môi trường như EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản, Việt Nam đã sớm tham gia tiến trình đàm phán VPA với EU từ năm 2010. Trong tiến trình này, EU cung cấp các hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cũng như đưa ra những khuyến cáo cho các quốc gia sản xuất gỗ nhằm giúp các quốc gia này giải quyết nạn khai thác gỗ trái phép. Các tổ chức xã hội dân sự có thể tác động nhằm đảm bảo sự minh bạch của tiến trình và đáp ứng được những nhu cầu của các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.

Tải các bài trình bày tại hội thảo
-SRD-
Đối tác chiến lược ngành in

in bạt