MENU TOP TITLE V A Nông nghiệp bền vữngBiến đổi khí hậuHoạt động mạng lướiVận động chính sáchSự kiện

Tái cơ cấu nông nghiệp: Đặt vai trò nông dân làm trọng tâm

VOV.VN-Nông dân cần tự quyết sẽ làm gì, theo hướng nào, còn Nhà nước cần cung cấp thông tin và hỗ trợ để họ đưa ra quyết định sáng suốt.

Tiếp tục vai trò cầu nối để cả nước góp sức thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, Báo điện tử VOV online tham vấn chuyên gia về những giải pháp để tái cơ cấu sao cho hiệu quả.

Theo ông Trương Quốc Cần, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD, là một tổ chức phi chính phủ hàng đầu tại Việt Nam hiện đang triển khai các hoạt động hỗ trợ người nghèo thích ứng với điều kiện môi trường đang thay đổi và quản lý sinh kế một cách bền vững), bên cạnh tập trung vào tăng năng suất, tăng chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân... cần thực sự đặt vai trò của nông dân làm trọng tâm.

Tái cơ cấu mới hướng đến mục tiêu kinh tế

Đánh giá về Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt, ông Trương Quốc Cần đánh giá, Đề án có định hướng mục tiêu rộng, bao quát, phù hợp (từ tăng năng suất, sản lượng, thu nhập, cơ cấu nông thôn, xã hội, môi trường...). Nhưng để đạt các mục tiêu định hướng đó, Đề án chưa có sự đồng bộ giữa mục tiêu với các nội dung chi tiết, đặc biệt là các giải pháp thực hiện chưa xứng tầm mục tiêu đặt ra.

Anh1 TruongQuocCan IMG 6747

Thạc sĩ Trương Quốc Cần- Phó Giám đốc Trung tâm SRD

Đáng chú ý là nội dung Đề án chỉ tập trung vào tăng thu nhập, tăng năng suất, tăng chất lượng, tức là nhằm mục tiêu vào kinh tế nhiều hơn, còn các mục tiêu về xã hội, môi trường còn chung chung, mờ nhạt, chưa cụ thể.

Ông Cần chỉ ra rằng, với kinh nghiệm mấy thập kỷ qua cho thấy, nông nghiệp đã có bước tiến khá dài với các mục tiêu về tăng năng suất, sản lượng. Tuy nhiên, về xã hội, môi trường lại bị đi xuống rất nhiều. “Nếu thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chỉ nêu mục tiêu về xã hội, môi trường mà không có giải pháp cụ thể để thực hiện thì sẽ lặp lại các khiếm khuyết về xã hội, môi trường trong thời gian qua”- ông Cần lưu ý.

Đặc biệt, theo ông Cần “Đề án này chưa thực sự đặt vai trò của nông dân làm trọng tâm. Người nông dân là người cuối cùng và quan trọng nhất để hiện thực hóa Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Ví dụ, nếu chúng ta xây nhà, muốn có bao nhiêu tầng thì cũng phải có phần quan trọng là cái móng vững chắc. Trong nông nghiệp, cái móng của nó chính là nông dân”.

Xác định rõ mục tiêu cụ thể cho cơ cấu nông dân

Để tái cơ cấu có thành quả vững chắc, ông Cần đề nghị: Phải xem xét cơ cấu nông dân như thế nào. Cần đưa ra các thông số rất cụ thể về cơ cấu nông dân hiện gồm những nhóm nông dân nào; mục đích đến năm 2020, khi kết thúc Đề án này, cơ cấu nông dân, nông thôn sẽ là gì.

Theo cách phân chia của ông Cần, nông dân Việt Nam hiện đang có 3 nhóm: Nhóm 1, là nông dân tại các khu vực nghèo, với quy mô sản xuất rất nhỏ, trình độ khá lạc hậu. Nhóm 2, là nông dân cũng tại nông thôn nhưng phát triển hơn một chút, ví dụ ở ĐBSCL, ĐBSH nơi nhóm đa số nông dân có diện tích sản xuất vừa phải, nhưng khả năng thị trường và phát triển quy mô sản xuất rộng còn hạn chế. Nhóm 3, là những nông dân tiên tiến, có quy mô sản xuất tương đối lớn, nắm bắt thông tin thị trường nhanh nhạy, có khả năng đầu tư và phát triển sản xuất quy mô lớn.

Với các nhóm nông dân này, ông Cần cho là, phải có tính toán chi tiết xem sau 10 đến 20 năm sau, đưa mỗi nhóm nông dân đó sẽ chiếm tỷ lệ bao nhiêu. Đây là những thông số quan trọng và rất cần để từ đó sẽ thiết kế các giải pháp phù hợp cho cả hệ thống vẫn tồn tại hiệu quả. Hơn nữa, theo mốc thời gian cho tái cơ cấu đến 2020, chỉ còn 7 năm nữa, muốn tái cơ cấu hiệu quả càng cần phải có tính toán cụ thể để có đầu tư cần thiết và phù hợp.

Nông dân cần quyền tự quyết

Khẳng định người nông dân là chủ thể quan trọng nhất để đưa đề án tái cơ cấu vào thực tế, ông Trương Quốc Cần, đánh giá: Hiện nay, rất khó khăn trong việc tổ chức nông dân, gắn kết nông dân thành tổ chức bền chặt có quy mô. Dù đã có Hội Nông dân nhưng hoạt động còn rất hạn chế trong việc này.

Để người nông dân có vai trò lớn hơn, có tiếng nói mạnh hơn trong việc tái cơ cấu, ông Cần cho là phải có giải pháp hỗ trợ cụ thể để tăng cường thể chế của nông dân. Cụ thể, bên cạnh vai trò định hướng, tổ chức, phản biện chính sách của Hội Nông dân, cần các cấu trúc ngoài Hội Nông dân. Chẳng hạn, hiện đang hình thành các nhóm sản xuất, hợp tác xã, tổ tín dụng… là các thể chế cộng đồng của nông dân. Các cấu trúc này cần được đầu tư thích đáng trong việc tăng cường năng lực, hỗ trợ thể chế và pháp lý để các tổ chức này phát huy vai trò trong việc tăng cường quy mô sản xuất.

Bởi vì, theo đánh giá của ông Cần, lâu nay ở nước ta gần như bỏ mặc nông dân để họ rơi vào trạng thái bơ vơ giữa cánh đồng, tự xoay sở. Điều đáng nói là bỏ mặc họ xoay sở nhưng lại phải bơi theo hướng mà các nhà hoạch định chính sách đặt ra. Chính sách mới đặt ra chỉ tiêu, tiêu chí, mục đích, nhưng lại không có thông tin định hướng, không có tác động cần thiết hướng dẫn nông dân để họ có quyết định cho phù hợp.

Thời gian tới, để Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp được thực hiện, “cần có bước thay đổi rõ rệt về nhận thức. Đó là không thể ép nông dân đi theo những mục tiêu không sát thực tiễn. Phải để cho nông dân có quyền tự quyết trong việc họ sẽ làm gì, họ đi theo hướng nào. Nhà nước cần cung cấp các thông tin đầy đủ, đa chiều và hỗ trợ sao cho họ có thể đưa ra các quyết định sáng suốt, phù hợp nhất”- ông Cần nhấn mạnh.

Cụ thể, theo ông Cần, khi nói về quy mô sản xuất, tích tụ đất đai để sản xuất quy mô lớn, tại nhiều diễn đàn nói rất nhiều đến tăng cường quy mô sản xuất để hiệu quả hơn. Nhưng thực tế còn ít hành động hỗ trợ nông dân để họ có thể tăng cường quy mô sản xuất./.

-Xuân Thân/VOV online (ghi)-

Nguồn:http://vov.vn/Kinh-te/Tai-co-cau-nong-nghiep-Dat-vai-tro-nong-dan-lam-trong-tam/283428.vov

Đối tác chiến lược ngành in

in bạt