MENU TOP TITLE V A Nông nghiệp bền vữngBiến đổi khí hậuHoạt động mạng lướiVận động chính sáchSự kiện

SRI – giải bài toán năng suất trong thời biến đổi khí hậu

Bắc Kạn, Ngày 8/11/2012 - Hội thảo “Chia sẻ kết quả nghiên cứu áp dụng Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI)” được tổ chức tại Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn với sự tham dự và chỉ đạo của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Kạn Đặng Văn Sơn, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn, Cục Bảo vệ Thực vật, Chi cục Bảo vệ Thực vật Bắc Kạn, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm…Hội thảo đã tập trung thảo luận các kết quả đạt được trong một năm đầu thử nghiệm triển khai hệ thống canh tác SRI tại ba huyện Ba Bể, Chợ Mới và Na Rì để hướng tới nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Văn Sơn cho biết trước tình hình thiên tai và dịch bệnh xảy ra với cường độ và tần suất ngày một gia tăng, trong khi giá vật tư nông nghiệp ngày một tăng cao, tỉnh đã chủ động có những hỗ trợ về vật tư nông nghiệp và đưa vào áp dụng các thành tựu khoa học tiên tiến. Tỉnh đồng thời đã có chính sách trợ giá với các giống lúa thuần địa phương nhằm thúc đẩy thói quen canh tác lúa thuần trong nông dân để giúp giảm sự phụ thuộc của nông dân vào các nguồn cung cấp giống bên ngoài và tránh sự suy thoái giống trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) như hiện nay. Theo đó, ông đánh giá rất cao dự án “Nông dân thử nghiệm hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) ứng phó với BĐKH tại tỉnh Bắc Kạn” do Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) triển khai từ đầu năm 2012 đến nay vì đã giúp nâng cao năng lực cho người nông dân để có thể áp dụng các tiến bộ khoa học mới trên những giống lúa thuần của địa phương.

Nông dân làm nghiên cứu trên đồng ruộng

Hơn 40 đại biểu tham gia hội thảo được tham quan các ruộng nghiên cứu của nông dân tại thôn Bản Ngù, xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể. Dự án hướng dẫn nông dân áp dụng SRI trên nhiều giống lúa thuần địa phương và chân đất khác nhau để tìm ra được những giống lúa và điều kiện phù hợp nhất trước khi áp dụng SRI trên quy mô lớn hơn. Nông dân được dự án nâng cao năng lực để trở thành nhà khoa học ngay trên đồng ruộng. Kết quả bước đầu cho thấy SRI giúp tăng sản lượng đến 30%, rất phù hợp khi áp dụng trên một số giống lúa thuần của địa phượng, đặc biệt là giống Bao Thai. Chia sẻ tại ruộng, các nông dân tham gia dự án cho biết việc áp dụng SRI còn gặp mốt số khó khăn trong việc truyền thông thay đổi nhận thức của người dân từ bỏ phương thức canh tác cũ, chuyển sang phương thức mới.

vm039 8.11 2

Nông dân trở thành nhà nghiên cứu trên đồng ruộng  

SRI có khả năng thích ứng với BĐKH

Hội thảo cũng được nghe bài trình bày của ông Ngô Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật trình bày về tính ưu việt của phương thức canh tác này trong bối cảnh BĐKH. Trong đó nêu rõ, SRI giúp tăng cường khả năng chống chịu của cây lúa trước những tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan nhờ có bộ rễ bám sâu hơn lúa được canh tác theo phương thức truyền thống. Hơn nữa, nhờ giảm được 30% lượng nước tưới nên SRI có thể thích ứng tốt hơn trong điều kiện khô hạn. Đặc biệt, nhờ cắt giảm việc giữ nước thường xuyên trong ruộng, SRI giúp giảm đáng kể khí mê-tan, một trong những loại khí gây phát thải khí nhà kính, gây ra BĐKH toàn cầu.

Kết thúc hội thảo, bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm khẳng định trong thời gian tới, dự án sẽ hỗ trợ nông dân áp dụng SRI trên các cánh đồng mẫu lớn để có thể tăng cường khả năng nhân rộng của mô hình. Bà cũng gửi lời cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và quan tâm hơn nữa từ phía chính quyền địa phương để dự án có thể đưa SRI đến với nhiều nông dân hơn, giúp tăng năng suất trong bối cảnh thiên tai và BĐKH như hiện nay.

-SRD-

Đối tác chiến lược ngành in

in bạt