Đối tác chiến lược của

noi that hoa phat

 

RỪNG GỖ LỚN Ở VIỆT NAM:

 

THỰC TRẠNG VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN RỪNG GỖ LỚN TRONG BỐI CẢNH THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH EV FTA VÀ CAM KẾT VPA

 

Hội Chủ rừng Việt Nam

 

 

Báo cáo này được thực hiện với sự hộ trợ tài chính của Liên minh Châu Âu (EU). Nội dung của báo cáo thuộc trách nhiệm của VIFORA và không nhất thiết phản ánh quan điểm của EU.

(This report was produced with the financial support of the European Union. Its contents are sole responsibility of VIFORA and do not necessarily reflect the views of the European Union)


 

1.Giới thiệu

Kết quả nghiên cứu tổng quan về rừng trồng và gỗ rừng của Hội chủ rừng Việt Nam tháng 6 năm 2011 đã xác định 3 vấn đề: Một là, nguồn cung gỗ từ rừng trồng trong nước chưa đáp ứng đủ cầu gỗ nguyên liệu cho chế biến; Hai là, tỷ trọng gỗ lớn thấp, thiếu gỗ chất lượng cao; Ba là, gỗ từ rừng trồng trong nước chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp (Hội chủ rừng Việt Nam, 2021). Xuất phát từ vấn đề thứ nhất và thứ hai, nên Việt Nam hằng năm vẫn phải nhập khẩu gỗ. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2020, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ như gỗ tròn, gỗ xẻ, ván sợi, gỗ dán, văn lạng, đồ gỗ khác về Việt Nam là 2,558 tỷ USD, trong đó nhập 2,02 triệu m3 gỗ tròn với kim ngacgh 563,07 triệu USD; 2,54 triệu m3 gỗ xẻ với kim ngacgh 842,06 triệu USD (Gỗ Việt, 2020). Điểm lưu ý ở đây là, gỗ tròn và gỗ xẻ nhập khẩu đều là gỗ có quy cách lớn, chất lượng cao mà nguồn cung trong nước chưa có khả năng đáp ứng. Trong thời gian gần đây, khối lượng và giá trị gỗ nhập khẩu có xu hướng giảm dần qua các năm; một phần là do trong nước từng bước đã  cung ứng được một phần gỗ lớn. Tuy nhiên,  chắc chắn trong 10 năm tới nhu cầu gỗ nguyên liệu có quy cách lớn và chất lượng cao vẫn sẽ tăng bởi 2 lý do: Một là, xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng rất nhanh  do  Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EV FTA) đang mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu các mặt hàng sản phẩm gỗ của Việt Nam, chỉ tính trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU đạt 250,4 triệu USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2020 (Gỗ Việt, 2020); Hai là, diện tích rừng trồng gỗ lớn trong nước ít, chiếm tỷ trọng thấp trong tổng diện tích rừng trồng.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu tổng quan về trồng rừng gỗ lớn ở Việt Nam; điều tra qua bảng hỏi bằng công cụ Google Forms đối với 30 người làm việc tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức ngoài nhà nước, đặc biệt là thành viên mạng lưới VNGO-EV FTA; điều tra hiện trường tại 3 tỉnh Tuyên Quang, Quảng Trị và Bình Định, tại đó phỏng vấn 15 cán bộ sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm Lâm, Hạt kiểm lâm; 12 cán bộ của 03 công ty lâm nghiệp, 03 công ty chế biến gỗ; phỏng vấn 21 hộ gia đình làm rừng; khảo sát 6 mô hình trồng rừng gỗ lớn. Các thông tin được tổng hợp, so sánh và đối chiếu, bảo đảm độ tin cây cao.

  1.  
  2. 2.Những phát hiện chính

2.1. Diện rừng trồng sản xuất gỗ lớn ít và nguyên nhân

            Cả nước hiện có 489.016 ha rừng trồng sản xuât gỗ lớn (Vụ phát triển rừng, 2020) trong tổng số diện tích rừng trồng sản xuất 3.691.240 ha chiếm 13% diện tích rừng cả nước (Bộ NN&PTNT, 2021); có trữ lượng 19.948.000m3 gỗ trong tổng trữ lượng gỗ rừng trồng cả nước  259.200.000m3, chiếm 8% (Tổng cục Lâm nghiệp, 2020). Trong diện tích trồng rừng sản xuất gỗ lớn nêu trên có 126.175 ha rừng trồng chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn (Vụ phát triển rừng, 2020). Tỉnh Tuyên Quang có diện tích rừng trồng sản xuất là 121.277 ha, trong đó chỉ có 18.000 ha là diên tích rừng gỗ lớn, chiếm 14,8%; tỉnh Quảng trị lần lượt là 72.114 ha, 14,616 ha và 20,2%; tỉnh Bình Định lần lượt là 137.371 ha, 12.821 ha và 9,3%. Những số liệu trên cho thấy tỷ trọng rừng trồng sản xuất gỗ lớn trên cả nước rất thấp, ngay cả 3 tỉnh trên là những tỉnh trồng rừng sản xuất nhiều, có nhiều nhà máy chế biến cũng cho thấy không tỉnh nào có tỷ lệ rừng trồng gỗ lớn vượt quá 20%. Nguyên nhân của hiện trạng này  từ kết quả điều tra bảng Google Form được tổng hợp tại Hình 01.

 

Hình 1: Nguyên nhân diện tích trồng rừng gỗ lớn ít

          Hình 1 cho thấy 93,3% người được phỏng vấn cho rằng nguyên nhân trồng rừng sản xuất gỗ lớn ít là do chủ rừng thiếu nguồn lực để kéo dài chu kỳ kinh doanh; 66,7% cho rằng do chưa có chính sách đủ mạnh để tạo động lực trồng rừng gỗ lớn; ngoài ra còn trên 40% người cho rằng nguyên nhân do diện tích rừng nhỏ, manh mún, có nhiều rủi ro khi kéo dài chu kỳ kinh doanh và thiếu loài cây phù hợp cho trồng rừng gỗ lớn. Kết quả điều tra này phù hợp với kết quả đánh giá trong báo cáo của Vụ phát triển rừng – Tổng cục Lâm nghiệp vào tháng 12 năm 2020 và kết quả nghiên cứu tại 3 tỉnh Tuyên Quang, Quảng Trị và Bình Định, đó là do: người dân thiếu vốn để đầu tư thâm canh cũng như kéo dài chu kỳ kinh doanh trong khi khả năng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng rất hạn chế vì lãi suất cao, thủ tục phức tạp; đất trồng rừng mạnh mún trong khi chưa có cơ chế tốt để liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị; kéo dài chu kỳ sản xuất sẽ xuất hiện nhiều rủi ro mất cây gỗ trong rừng, cháy rừng, thị trường bấp bênh … trong khi chưa có cơ chế giảm thiểu tác hại do rủi ra xảy ra; hạ tầng lâm nghiệp kém như đường vận xuất, vận chuyển kém hoặc không có, bến bãi chưa đầy đủ.

2.2.           Nhu cầu về chính sách khuyến khích phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn

Nghiên cứu chính sách hiện hành về đầu tư và phát triển rừng cho thấy rất ít chính sách quy định riêng khuyến khích đầu tư trồng rừng sản xuất gỗ lớn. Hiện chỉ có 01 chính sách được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Quyết định 38/2016/QĐ-TTg  ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Với một chính sách này chưa đủ mạnh để tạo động lực để chủ rừng đầu tư vào phát triển rừng sản xuất gỗ lớn, đúng như trong hình Hình 1 cho thấy 66,7% người được phỏng vấn cho ý kiến chưa có chính sách đủ mạnh để tạo động lực trồng rừng gỗ lớn.

2.3.           Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị khuyến khích trồng rừng gỗ lớn thông qua thành lập pháp nhân chung

Thực tiễn đã chỉ ra hiệu quả của giải pháp tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với mô hình xây dựng một pháp nhân chung giữa bên cung ứng gỗ nguyên liệu là các công ty lâm nghiệp với bên tiêu thụ nguyên liệu là các nhà máy chế biến gỗ đã khuyến khích trồng rừng gỗ lớn. Ở Tuyên Quang, Công ty cổ phần Woodsland là công ty chế biến gỗ tham gia là cổ đông của 2 Công ty THHH Lâm nghiệp Tuyên Bình và Công ty THHH Lâm nghiệp Chiêm Hóa. Đây là mô hình kết nối chuỗi giá trị ngay chính trong Công ty cổ phần Woodsland vừa là người tiêu thụ và vừa là người cung ứng gỗ nguyên liệu qua đó bảo đảm cung cấp gỗ lớn cho nhà máy chế biến gỗ của Công ty. Với đặc điểm chế biến các sản phẩm gỗ xuất khẩu ra thị trường thế giới, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang cần gỗ nguyên liệu hợp pháp, gỗ có quy cách lớn và chất lượng cao, nên chủ động tạo ra nguồn nguyên liệu này thông qua cơ chế tham gia trực tiếp là cổ đông của các công ty lâm nghiệp. Theo Đề án phát triển rừng gỗ lớn tỉnh Quảng Trị cho thấy kinh nghiệm về mô hình liên kết hợp tác của các hộ dân tham gia trồng rừng theo chứng chỉ FSC với Công ty Scansia Pacific. Với mô hình này, công ty hỗ trợ chi phí đánh giá và duy trì chứng chỉ FSC trên diện tích 3.147 ha rừng trên địa bàn tỉnh; công ty cam kết thu mua gỗ keo có chứng FSC có đường kính trên 13 cm cao hơn gỗ không có chứng chỉ tại cùng thời điểm 15 - 20% tùy theo chất lượng gỗ và không ép giá khi có thiên tai, rủi ro, ảnh hưởng đến rừng keo FSC. Đối với các hộ dân khi có rừng keo có chứng chỉ FSC gặp khó khăn về tài chính ở độ tuổi rừng từ 4 - 5 năm quyết định tỉa thưa, kéo dài tuổi thọ thêm 2 - 3 năm để nuôi cây lớn hơn, công ty sẽ hỗ trợ cho vay 4 triệu đồng/ha với lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng thương mại tại thời điểm vay là 2%/năm. Công ty sẽ thu hồi vốn vay và lãi suất khi hộ dân đến thời điểm khai thác gỗ bán cho công ty. Đây là những mô hình tạo vùng nguyên liệu của các cơ sở chế biến theo mục đích và bền vững.

Hình 02 cho thấy rằng, 46,7% người được phỏng vấn cho ý kiến tạo ra cơ chế phối hợp, liên doanh, liên kết để tạo vùng nguyên liệu là một trong những giải pháp phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn.

 

Hình 2: Giải pháp khuyến khích trồng rừng gỗ lớn

2.4.           Cần phải có giải pháp chống rủi ro để khuyến khích trồng rừng sản xuất gỗ lớn

Rừng trồng sản xuất gỗ lớn với chu kỳ kinh doanh dài sẽ xuất hiện nhiều rủi ro như mất cây gỗ trong rừng, cháy rừng, thị trường bấp bênh. Đây là một trong những trở ngại cho trồng rừng gỗ lớn. Các đối tượng được phỏng vấn tại 3 tỉnh Tuyên Quang, Quảng Trị và Bình Định đều  khẳng định cần có biện pháp chống rủi ro đối với trồng rừng gỗ lớn, nhất là các rủi ro về thiên tai như rừng bị đổ gãy do mưa bão, sạt lở đất, lũ … và cháy rừng. Các ý kiến đều đề nghị có bảo hiểm rủi ro và quỹ hỗ trợ; họ cho rằng nếu thành lập quỹ hỗ trợ rủi ro thì dùng nguồn xã hội hóa và trích thu từ bán gỗ. Kết quả điều  tra  cũng đồng tình  với giải pháp này được thể hiện trong Hình 3.

Hình 3: Giải pháp chống rủi ro để khuyến khích trồng rừng sản xuất gỗ lớn

  1. 3.Một số khuyến nghị

3.1.           Xây dựng và bổ sung một số chính sách về trồng rừng sản xuất gỗ lớn

-         Xây dựng chính sách khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi mục đích kinh doanh rừng cho sản xuất gỗ dăm giấy (trồng mật độ cao, chu kỳ kinh doanh ngắn) sang kinh doanh rừng gỗ lớn (mật độ thấp, chu kỳ kinh doanh dài) thông qua biện pháp tỉa thưa, kết hợp chăm sóc, bón phân để tạo nên rừng kinh doanh gỗ lớn. Hỗ trợ kinh phí cho người dân tiêu thụ gỗ trong quá trình tỉa thưa và tiền mua vật tư, phân bón.

-         Chính sách hỗ trợ cho nông dân vay vốn để phát triển rừng kinh doanh gỗ lớn với chu kỳ kinh doanh dài bằng hình thức hỗ trợ lãi suất vay thương mại hoặc lãi suất thấp, chu kỳ vay tương đương với chu kỳ kinh doanh rừng để người dân có điều kiện chăm sóc, bảo vệ rừng và giải quyết những khó khăn (nếu có); tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ giống chất lượng cao phù hợp với từng vùng trong cả nước.

-         Điều chỉnh, bổ sung các chính sách về đất đai, tạo điều kiện cho chủ rừng tập trung đất đai đủ lớn để trồng rừng thâm canh gỗ lớn năng suất cao, có điều kiện áp dụng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và sản xuất.

-         Chính sách hỗ trợ cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu trồng rừng gỗ lớn trong việc tập trung đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

-         Xây dựng chính sách bảo hiểm rừng trồng để phòng những trường hợp rủi ro bất khả kháng do thiên tai, thời tiết gây ra; có cơ chế hình thành quỹ hỗ trợ rủi ro theo phương thức xã hội hóa.

-         Cần có chính sách để khuyến khích người dân kinh doanh rừng với chu dài hơn thông qua cơ chế chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng.

-         Có chính sách về giá gỗ có đường kính trên 13 cm để khuyến khích chủ rừng nâng cao tỷ trọng gỗ có đường kính lớn khi khai thác chính.

-         Chính sách khuyến khích doanh nghiệp liên doanh, liên kết với công ty lâm nghiệp, chủ rừng là hộ gia đình để phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến thông qua việc miễn giảm thuế, hỗ trợ đầu tư chiều sâu; chính sách hỗ trợ các công ty lâm nghiệp thu hút các công ty chế biến trở thành cổ đông để phát triển vùng nguyên liệu tập trung, tạo chuỗi giá trị sản xuất từ nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu.

-         Chính sách đảm bảo nguồn lực (kỹ thuật, tài chính) hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng bền vững theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

-         Chính sách đầu tư xây dựng hệ thống đường lâm nghiệp trong vùng kinh doanh gỗ rừng sản xuất, gỗ lớn, tạo điều kiện cho người dân trong việc tiêu thụ gỗ và thực hiện các công việc quản lý, bảo vệ rừng.

3.2.           Đề nghị sửa một số chính sách để đưa vào chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp giai đoạn 2021 -2030

-         Mức hỗ trợ hiện đang quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Quyết định 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ là 8 triệu đồng/ha lên 10-15 triệu/ha tùy thuộc vào từng loài cây.

-         Mức cho vay hiện đang quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ tối đa là 15 triệu/ha và chỉ đối với HGĐ ở khu vực II và III lên 20 triệu/ha và mở rộng đối tượng được vay là các hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng gỗ lớn.

-         Mức hỗ trợ kinh phí thuê đất, mức hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu hiện đang quy định tại khoản 1 và 2 Điều 7 Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 lần lượt: là 20% cho 5 năm nâng lên 30% cho 7 năm; là 50 triệu/ha, tối đa 10 tỷ/dự án nâng lên 60 triệu/ha, tối đa 12 tỷ/dự án.

-         Đề nghị bổ sung một số chính sách về bảo hiểm rừng trồng, cụ thể là:

+ Bổ sung cây lâm nghiệp vào đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ vào  khoản 1 Điều 18 Nghị định 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp;

+ Đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cho phép thực hiện thí điểm chính sách hỗ trợ bảo hiểm đối với cây trồng lâm nghiệp tương tự như QĐ 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN nhưng là cơ chế thí điểm.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 1.Bộ NN&PTNT, 2014. Quyết định số 774/QĐ-BNN-TCLN ngày 18/04/2014 phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất giai đoạn 2014-2020
  2. 2.Bộ NN&PTNT, 2014. Quyết định số 774/QĐ-BNN-TCLN ngày 18/4/2014 cua Bọ NN&PTNT về Kế hoạch hành động nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất giai đoạn 2014 - 2020”.
  3. 3.Bộ NN&PTNT, 2020. Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
  4. 4.Bộ NN&PTNT, 2021. Quyết định số 1558 /QĐ-BNN-TCLN ngày 13 tháng 04 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2020.
  5. 5.Gỗ Việt, 2020. Tình hình nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2020. Gỗ Việt số 130, tháng 1/2021. https://goviet.org.vn/bai-viet/tinh-hinh-xuat-nhap-khau-go-va-san-pham-go-cua-viet-nam-nam-2020-9252
  6. 6.Hội chủ rừng Việt Nam, 2017. Nghiên cứu thị trường gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản ở Việt Nam. Hợp tác nghiên cứu với Actionaid, Đại sứ quán Phần lan, tháng 8 năm 2017.
  7. 7.Hội chủ rừng Việt Nam, 2021. Báo cáo Tổng quan về rừng trồng và gỗ rừng trồng cho chế biến gỗ xuất khẩu ở Việt Nam – Bản Dự thảo lần 1 – Tháng 6 năm 2021.
  8. 8.SRD, 2020. Hiện trạng về hộ trồng rừng và doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ sản xuất gỗ trước khi thực thi VPA-FLEGT. Bản tin - Trung tâm phát triển Nông thôn bền vững,
  9. 9.Tổng cục lâm nghiệp, 2020. Lâm nghiệp Việt Nam, 75 năm hình thành và phát triển (1945-2020). Nhà xuất bản Nông nghiệp, 2020.

10. Thủ tướng Chính phủ, 2016. Quyết đinh 38/2016/QĐ-TTg[1] ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông lâm nghiệp

11. Trung tâm WTO,VCCI (2016),Báo cáo nghiên cứu chính sách ngành chế biến gỗ xuất khẩu, phân tích rủi ro chính của ngành chế biến gỗ xuất khẩu

12. Vụ phát triển rừng, 2020. Báo cáo kết quả triển khai kế hoạch hành động: Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất giai đoạn 2014-2020. Vụ phát triển rừng – Tổng cục Lâm nghiệp, tháng 12 năm 2020.

----------------------------------------

Đối tác chiến lược ngành in

in bạt