MENU TOP TITLE V A Nông nghiệp bền vữngBiến đổi khí hậuHoạt động mạng lướiVận động chính sáchSự kiện

Khảo sát tình hình thực hiện một số Điều của Luật BV&PTR (2004) liên quan đến hộ gia đình và cộng đồng dân cư

Sau 10 năm thực hiện, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (Luật BV&PTR) đã đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và huy động các nguồn lực vào việc bảo vệ, phát triển rừng, góp phần tăng độ che phủ của cây rừng, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu với những thách thức và cơ hội mới cho ngành lâm nghiệp, Luật BV&PTR đã bộc lộ những hạn chế nhất định đối với việc đổi mới cơ cấu ngành lâm nghiệp, quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, sự đồng bộ với các chính sách, luật khác về quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Nhằm cung cấp thông tin cho việc sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 để góp phần bảo vệ rừng tốt hơn, nâng cao đời sống của các cộng đồng địa phương; được sự đồng thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), Mạng lưới VNGO-FLEGT đã phối hợp với Đối tác hỗ trợ  ngành Lâm nghiệp (FSSP) và Tổng cục Lâm nghiệp (VNFOREST) triển khai tham vấn cộng đồng, hộ dân và lấy ý kiến của đại diện người dân và cộng đồng dân cư cấp thôn về những vấn đề liên quan tới việc thực thi Luật BV&PTR tại 3 tỉnh là Bắc Kạn (4-8/12/2013), tỉnh Thừa Thiên Huế (30/11-5/12/2013) và tỉnh Lâm Đồng (2-12/12/2014).

Khao sat luat BVPTR 1

 Hội thảo tham vấn tại Lâm Đồng

Đoàn nghiên cứu của Mạng lưới VNGO-FLEGT, bao gồm các cán bộ, chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực lâm nghiệp và nghiên cứu đánh giá về Luật, đã thống nhất tiêu chí để chọn tỉnh nghiên cứu là những tỉnh có diện tích rừng tương đối lớn, có nhiều hoạt động giao đất giao rừng, khoán rừng, có nguồn thông tin, và số liệu cập nhật. Dựa trên các tiêu chí đó, ở tỉnh Bắc Kạn, đoàn nghiên cứu do Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) chủ trì với sự phối hợp với các tổ chức thành viên thuộc mạng lưới VNGO-FLEGT (gồm: Trung tâm Con người và Thiên nhiên – PanNature, Viện Quản Lý Rừng Bền Vững và Chứng Chỉ Rừng – SFMI, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ Tây Bắc – CARTEN, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế lâm nghiệp - Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) đã thống nhất lựa chọn 2 huyện Chợ Đồn và Na Rì để tiến hành tham vấn. Tại Thừa Thiên Huế, Trung tâm Phát triển Nông thôn Miền trung (CRD) và Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên (CORENARM) đã triển khai đánh giá tại 2 huyện Nam Đông và A Lưới. Trung tâm Nghiên cứu Rừng và Đất ngập nước (FOWET) và Giảng viên Trường ĐHNL thành phố HCM đã tiến hành tham vấn cộng đồng và hộ gia đình tại 3 huyện của tỉnh Lâm Đồng là Lạc Dương, Đức Trọng và Di Linh.

Khao sat luat BVPTR 2

Hội thảo tham vấn tại Bắc Kạn

Nội dung xuyên suốt của nghiên cứu tập trung vào các quy định giao đất, giao rừng, khoán rừng cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư cấp thôn đối với rừng phòng hộ và rừng sản xuất, bên cạnh đó nghiên cứu còn đi sâu tìm hiểu Quyền và Nghĩa vụ của Hộ gia đình cũng như cộng đồng dân cư thôn được giao đất, giao rừng và khoán đất lâm nghiệp. Số liệu thứ cấp và kết quả điều tra tham vấn thu thập được từ thực địa sẽ được tổng hợp và phân tích để đưa ra một số nhận xét về thực trạng thực thi Luật BV&PTR liên quan đến giao rừng, khoán rừng cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư ở địa phương. Bên cạnh đó, các kết quả thực tiễn thực thi Luật và những bất cập bất cập (nếu có) của các điều Luật so với thực tế tại địa bàn nghiên cứu sẽ được phản ảnh, từ đó đưa ra đề xuất, khuyến nghị bổ sung, điều chỉnh một số nội dung của Luật BV&PTR và các văn bản dưới Luật có liên quan đến công tác giao rừng, giao khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư phù hợp hơn với thực tiễn và đồng bộ về mặt pháp lý.

 Kết quả của đợt nghiên cứu đã được Mạng lưới VNGO-FLEGT chia sẻ, trình bày tại hội thảo phản hồi được tổ chức tại 3 tỉnh, nơi triển khai nghiên cứu, đánh giá với sự tham gia của Ban điều hành Mạng lưới, đại diện các Ban, ngành có liên quan của các tỉnh, huyện như Sở/Phòng NN&PTNT, Sở/Phòng Tài nguyên Môi trường, Chi cục Kiểm Lâm, Chi cục Lâm nghiệp và đại diện của các cộng đồng dân cư thôn và hộ gia đình..

Trên cơ sở  kết quả tổng hợp về đánh giá thực thi Luật BV&PTR tại 3 tỉnh Bắc Kạn, Thừa Thiên Huế và Lâm Đồng, một báo cáo chung cho 3 tỉnh sẽ được Mạng lưới VNGO-FLEGT trình bày tại hội nghị tham vấn quốc gia dự kiến tổ chức vào tháng 2 năm 2014 để chia sẻ thông tin, kết quả và các đề xuất từ đợt nghiên cứu đánh giá này cho việc điều chỉnh Luật.

Đối tác chiến lược ngành in

in bạt