Vùng núi Tây Bắc của Việt Nam là nơi có nhiều vùng tiểu khí hậu rất khác biệt, tuy nhiên tại đây vẫn có điểm chung là đều có hai mùa - mùa khô và mùa mưa. Những năm trước đây, mùa mưa ở Tây Bắc thường bắt đầu từ khoảng tháng 4 đến tháng 5 và kéo dài đến tháng 8 hoặc tháng 9 và mùa khô thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, vùng đất Tây Bắc đã và đang phải đối mặt nhiều hơn với các hình thái thời tiết cực đoan như mưa đá, sương muối, khô hạn và sa mạc hóa… Những tác động bất lợi vừa nêu, đặc biệt là tình trạng hạn hán đã, đang và sẽ còn ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và các hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây, đặc biệt với người dân tại tỉnh Sơn La và Điện Biên, khi hai tỉnh này đang là vùng trồng cây cà phê Arabica chủ lực của miền Bắc cũng như tại Việt Nam.
Khô hạn và hạn hán kéo dài đã làm giảm lượng nước ngầm, khiến đất đai bị chai lì, khô cằn và ngày càng nghèo kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sản lượng của các loại cây trồng, trong đó có cây cà phê – một loài cây vốn đã cần lượng nước tối thiểu từ những cơn mưa tự nhiên để sinh trưởng, phát triển và cho năng suất khi thu hoạch, thì nay đang ngày càng trở lên cằn cỗi, héo khô, ảnh hưởng lớn tới chất lượng, năng suất và nguồn sinh kế của người dân. Bên cạnh đó, hiện tượng sa mạc hóa khiến đất đai mất đi độ phì nhiêu, cấu trúc đất bị phá vỡ do lớp thực bì không thể phát triển để bảo vệ, và quá trình xói mòn, sạt lở đất diễn ra dễ dàng hơn trong mùa mưa. Hậu quả là người nông dân không chỉ mất đi nguồn thu nhập mà còn đối diện với nguy cơ mất đất canh tác.
Đứng trước thực trạng trên, Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) đã và đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, UBND huyện Thuận Châu cùng các cơ quan chuyên môn như Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La, Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Hạt kiểm lâm huyện Thuận Châu triển khai các hoạt động tập huấn, các sự kiện truyền thông và các mô hình trình diễn về nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu như: Canh tác cà phê bền vững trên đất dốc; Canh tác khoai sọ bản địa thích ứng với khí hậu; trồng rừng bổ sung, làm giàu rừng và các giải pháp nông lâm kết hợp trên nương Cà Phê như một biện pháp nhằm khắc phục tình trạng khô hạn và sa mạc hóa. Các mô hình này bao gồm việc trồng xen một số loài cây lâm nghiệp như trám đen, giổi xanh, xoan, lát hoa với mật độ thích hợp trên các nương cà phê nhằm tạo nên một hệ sinh thái bền vững, che bóng, giữ nước, hạn chế xói mòn sạt lở đất, chống khô hạn cũng như bảo vệ cây tránh tác động của sương muối. Việc phát triển mô hình nông lâm kết hợp cũng tạo ra hệ sinh thái nông lâm nghiệp, tăng đa dạng sinh học, cải tạo đất, đảm bảo khả năng lưu giữ mạch nước ngầm và giảm tình trạng bốc hơi nước, giúp cây cà phê phát triển bền vững hơn.
Song song với những lợi ích về môi trường nêu trên, các mô hình này còn mang lại lợi ích kinh tế trung và dài hạn cho người nông dân. Cây lâm nghiệp có thể được thu hoạch hạt, quả và gỗ, qua đó góp phần tăng một phần thu nhập cho gia đình. Hơn nữa, việc đa dạng hóa cây trồng giúp giảm thiểu rủi ro trong nông nghiệp, khi một loại cây trồng bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu thì vẫn còn các loại cây khác để bù đắp.
Tại vùng dự án của SRD, nhiều hộ dân đã bắt đầu áp dụng mô hình này và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tại những nương cà phê có trồng xen một số cây lâm nghiệp sau 5 năm đã phát triển ổn định hơn, đảm bảo tỉ lệ che bóng và hạn chế sương muối, năng suất và sản lượng cà phê sau mỗi mùa thu hoạch được đảm bảo. Đặc biệt, đất đai đã ít bị xói mòn hơn, phục hồi độ phì nhiêu, tăng sự đa dạng sinh học và một số loài thiên địch đã xuất hiện nhiều hơn như rắn, bọ ngựa, nhện bắt mồi…. Mô hình này không chỉ giúp bảo vệ môi trường, hạn chế tình trạng sa mạc hóa mà còn cải thiện đời sống kinh tế cho người dân.
Trong những năm tiếp theo, tình trạng khô hạn và sa mạc hóa vẫn sẽ là một thách thức lớn đối với chính quyền địa phương và người dân tại nhiều huyện, nhiều xã tại các tỉnh Tây Bắc. Tuy nhiên, bằng việc thí điểm, thực hiện và áp dụng mô hình, giải pháp canh tác nông nghiệp bền vững thích ứng với khí hậu, cùng sự phối hợp tích cực giữa SRD và các bên liên quan tại vùng dự án, Trung tâm SRD tin tưởng rằng các bên sẽ đạt được những thành tựu tích cực, vừa góp phần đảm bảo sinh kế cho người dân, vừa thích ứng ngày một hiệu quả trước những tác động bất lợi bởi biến đổi khí hậu.