MENU TOP TITLE V A Nông nghiệp bền vữngBiến đổi khí hậuHoạt động mạng lướiVận động chính sáchSự kiện

Đối tác chiến lược của

noi that hoa phat

BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN DƯỢC LIỆU LÁ KHÔI TẠI HUYỆN PHÚ LƯƠNG, TỈNH THÁI NGUYÊN – MỘT HƯỚNG ĐI PHÙ HỢP

Cây khôi hay tên thường gọi là khôi, lá khôi, Độc lực, Đơn tướng quân (tên khoa học Ardisia sylvestris Pitard), là một trong những loại dược liệu quý được sử dụng nhiều trong các bài thuốc dân gian để chữa các chứng đau dạ dày, tá tràng. Một số doanh nghiệp đã sử dụng lá khôi để làm nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị bệnh đau dạ dày và rất được thị trường tin dùng. Hiện nay, dược liệu lá khôi cung cấp ra thị trường chủ yếu được khai thác từ tự nhiên tại các khu vực rừng phòng hộ, rừng tự nhiên của một số tỉnh miền núi phía bắc. Việc nhân giống và trồng cây khôi chưa phát triển. Sản lượng lá khôi khai thác tự nhiên ngày càng suy giảm do diện tích rừng phòng hộ, rừng tự nhiên bị thu hẹp cũng như các khai thác thiếu bền vững của người dân dẫn đến nguồn cung ngày càng khan hiếm trong khi nhu cầu của thị trường là rất lớn.

Xuất phát từ bối cảnh đó, Dự án "Phục hồi rừng nhiệt đới thông qua phát triển vườn ươm cây bản địa" đã được SRD hợp tác với UBND huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cùng trung tâm BIG triển khai các hoạt động bảo tồn và phát triển vùng trồng dược liệu lá khôi theo tiêu chuẩn "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc" theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP – WHO).

Dự án bảo tồn và phát triển cây khôi tại Phú Lượng được thực hiện dựa trên sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc đóng góp kinh phí từ giống, phân bón, thuốc BVTV... Các hỗ trợ của dự án chỉ tập trung vào tư vấn kỹ thuật. Bên cạnh đó, trong các hoạt động thực tế chuyển giao quy trình kỹ thuật, dự án luôn xác định các hộ dân là trung tâm của quá trình này, từ việc xác định các nội dung tập huấn, xây dựng chương trình, tham gia thảo luận và trực tiếp thực hành trên đồng ruộng. Dự án cũng sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để giúp nông dân nắm rõ áp dụng vào thực tế như: tập huấn trên lớp, tập huấn đầu bờ, tham quan chéo, giảng viên là nông dân hay mời các chuyên gia đến chia sẻ hướng dẫn cùng với người dân.

Sau gần một năm triển khai, dự án đã đạt được những thành công nhất định. 20 mô hình trồng cây lá khôi đã được xây dựng với tỷ lệ cây sống và phát triển trên 80%, các mô hình đã thu hút được sự chú ý của nhiều doanh nghiệp với mong muốn được ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra. Với mức giá thị trường khoảng 200.000đ/kg lá khôi khô, thì việc trồng dược liệu lá khôi sẽ cho thu nhập cao gấp 5 – 10 lần so với các cây trồng khác như chè, ngô, sắn...và người dân địa phương hoàn toàn có thể làm giàu từ cây dược liệu này.

Nhận thấy sự hiệu quả và thành công của dự án, UBND huyện Phú Lương đã quyết định tiếp tục bố trí 600 triệu đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước để hỗ trợ hơn 30.000 cây khôi giống giúp người dân tiếp tục nhân rộng mô hình.

Hy vọng trong thời gian tới, Phú Lương sẽ trở thành điểm sản xuất dược liệu hàng hóa đầu tiên và lớn nhất của cả nước, góp phần vào việc bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý.

KS. Ninh Văn Nghị
Phó Giám đốc - Trung tâm Triển khai Thương mại Sinh học Việt Nam (BIG Việt Nam)

 

25790992 1744585025616803 7157237989432703287 o-compressed

Đối tác chiến lược ngành in

in bạt