MENU TOP TITLE V A Nông nghiệp bền vữngBiến đổi khí hậuHoạt động mạng lướiVận động chính sáchSự kiện

Những trải nghiệm thú vị sau chuyến thăm quan các mô hình nông – lâm kết hợp, quản lý rừng và quản lý nguồn nước sinh hoạt tại tỉnh Điện Biên

Canh tác nông - lâm nghiệp bền vững thích ứng với những tác động tiêu cực bởi BĐKH, đã, đang và sẽ là một ưu tiên hàng đầu của Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) trong nỗ lực cùng người dân, các bên liên quan tại các tỉnh thực hiện dự án và nhiều tổ chức NGOs khác cùng tìm ra những giải pháp cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề nêu trên.

Dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc”, do tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (Đức) tài trợ, đã được thực hiện bởi Trung tâm SRD từ tháng 1, năm 2021 với nhiều hoạt động và mô hình thiết thực. Trong khuôn khổ hoạt động của dự án, từ ngày 05/09 đến 08/09/2022, SRD đã phối hợp cùng các đối tác tại tỉnh Sơn La; phòng NN và PTNN huyện Tuần Giáo tổ chức chuyến thăm quan và học hỏi những mô hình nông, lâm nghiệp tại huyện Tuần Giáo tỉnh Điện Biên.

Chuyến thăm quan ngoại tỉnh thu hút 31 người (17 nam; 15 nữ)  là đại diện cho người dân, ban quản lý 16 bản tại 4 xã dự án, lãnh đạo 4 xã dự án, đại diện phòng Nông nghiệp huyện Thuận Châu, Hạt kiểm lâm huyện Thuận Châu, cán bộ Chi cục TT và BVTV tỉnh Sơn La. Các mô hình cụ thể đã được thăm quan, trải nghiệm và trao đổi tại huyện Tuần Giáo gồm: mô hình canh tác cà phê nông lâm kết hợp; Mô hình trồng cây ăn quả; Mô hình quản lý rừng cộng đồng; Mô hình cấp nước sinh hoạt cộng đồng; Mô hình trồng cây thảo quả dưới tán rừng – quản lý rừng bền vững; Mô hình nuôi cá Hồi, cá Tầm.

Tại bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình, hệ thống nông lâm kết hợp theo thị trường để bảo vệ môi trường, cải thiện sinh kế, tăng cường quản lý rừng và cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu được thiết lập với nhiều loại cây trồng xen lẫn với cây Cà phê.

m1

m2

Mô hình nông lâm kết hợp cảnh quan

Mô hình Sơn Tra – Cà Phê – Cỏ chăn nuôi

 

Mô hình nông lâm kết hợp cảnh quan được Tổ chức nghiên cứu Nông lâm thế giới phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên thiết lập từ năm 2017 với 3 loài cây chính: Cà Phê, Đào, Muồng ràng ràng. Không chỉ bổ trợ chức năng che bóng cho cây Cà phê, tăng cường nguồn đạm sinh học đến từ nốt sần trên rễ cây họ đậu mà những sắc vàng, sắc hồng tươi thắm đến từ màu hoa của 2 loài cây bổ trợ như càng tô thắm hơn cho vẻ đẹp cảnh quan nương Cà phê. Cách trồng, mật độ trồng được thành viên trong đoàn thăm trao đổi cùng cán bộ nông lâm xã Tỏa Tình rút ra nhiều bài học quý báu.

Mô hình nông lâm kết hợp được thăm quan tiếp theo mang tên “Sơn Tra – Cà Phê – Cỏ chăn nuôi”. Đây là giải pháp chống xói mòn hiệu quả với hệ thống thực vật nhiều tầng tán. Tầng trên cùng của mô hình với loài Sơn Tra, cây gỗ trung bình với chức năng che bóng, giảm thiểu sương muối cho cây Cà Phê, chống xói mòn cho đất, không những thế nguồn thu nhập từ quả Sơn tra hằng năm cũng góp phần cải thiện sinh kế nông hộ. Phía dưới những bóng cây Sơn Tra, Cà phê được trồng so le theo hình “nanh sấu” tận dụng tối đa chức năng phòng hộ cho đất. Sát với mặt đất là những hàng cỏ Ghi – nê được trồng với mật độ 5 hàng Cà phê xen 1 hàng cỏ. Cỏ Ghi - nê là loại thức ăn chăn nuôi ưa thích của gia súc, khả năng chịu dẫm đạp, chịu hạn tốt, giữ ẩm và chống xói mòn cho đất. Phần lớn người dân trong đoàn thăm quan đều cho rằng đây là mô hình mang tính bền vững, thích ứng với BĐKH, tuy nhiên để duy trì tính ổn định của mô hình cần tuân thủ các biện pháp khuyến nông một cách chặt chẽ, lâu dài, đảm bảo năng suất cho Cà Phê. Kiểm soát cỏ Ghi – nê bằng phương pháp cơ giới, kết hợp trồng Sơn Tra với mật độ thích hợp, đặc biệt là kỹ thuật tỉa cành tạo tán cho Sơn Tra.

m3

Mô hình trồng Mắc ca bản Phủ, xã Quài Cang

 

Tiếp tục chương trình thăm quan học hỏi, đoàn được Phòng NN&PTNN huyện Tuần Giáo giới thiệu đến bản Phủ, xã Quài Cang thăm quan và học hỏi mô hình trồng cây ăn quả. Xã Quài Cang đã phối hợp với Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả trên nương, những nơi đất trống, đồi trọc sang trồng cây mắc ca. Hiện nay, 1loại cây này đang phát triển tốt, giúp phủ xanh đất trống, đồi trọc. Đây là một mô hình rất thú vị khi có sự hợp tác giữa người dân và công ty/ doanh nghiệp và sự bảo đảm về mặt pháp lý của chính quyền địa phương. Tại mô hình này, thành viên đoàn thăm quan đã tận mắt thấy được cách thức trồng và chăm sóc tôn trọng tối đa sự đa dạng sinh học. Người dân và công ty không sử dụng hóa chất diệt cỏ cháy mà kiểm soát để cỏ mọc tự nhiên, giúp đất và cây trồng có độ ẩm, tạo ra được thảm mùn thực vật tự nhiên, hệ động vật, vi sinh vật đất đa dạng có lợi cho cây trồng và môi trường xung quanh.

m4

Trồng xen cây ăn quả: Bưởi da xanh, Mít Thái, Ổi

 

Ngoài ra, một mô hình trồng cây ăn quả khác cũng được địa phương Quài Cang giới thiệu thăm quan đó là mô hình trồng xen cây ăn quả: Bưởi da xanh, Mít thái, Ổi. Đây là mô hình trồng cây ăn quả an toàn khi sử dụng hạn chế thuốc BVTV kết hợp sử dụng phân hữu cơ đã qua xử lý với nấm Trichoderma. Cùng trên một đơn vị diện tích với đa dạng loại trái, chủ hộ còn chăn nuôi một số lượng nhỏ gà bản địa. Kỹ thuật kiểm soát cỏ của chủ hộ được đoàn thăm quan rất ấn tượng, cỏ được làm sạch xung quanh tán cây mà không dùng thuốc diệt cỏ. Đây là mô hình trồng cây ăn quả có tính đa dạng sinh học cao trong hệ sinh thái nông nghiệp. Không chỉ chia sẻ về những kỹ thuật canh tác quý báu, những múi bưởi ngon, chất lương, an toàn được bác chủ hộ gửi đến bà con trong đoàn Thuận Châu thể hiện sự hiếu khách của người Tuần Giáo.

m5

m6

Mô hình quản lý rừng cộng đồng bản Cản, xã Quài Cang

Tuần Giáo cũng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn của BĐKH, trước bối cảnh ngày một gia tăng những hiện tượng thời tiết cực đoan. Mô hình quản lý rừng cộng đồng tại bản Cản, xã Quài Cang là một mô hình tiêu điểm mang tính thích ứng với BĐKH. Với hơn 120 ha rừng phòng hộ, cộng đồng bản Cản cùng nhau xây dựng hương ước bảo vệ rừng, tổ bảo vệ rừng được duy bởi nguồn ngân sách từ chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hằng tháng, tổ bảo vệ rừng chia thành từng đội, tập trung những người có kiến thức về lâm luật, có sức khỏe, tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng cộng đồng cho bản. Công tác phòng cháy chữa cháy được cộng đồng bản Cản thực hiện nghiêm chỉnh với tinh thần “phòng là chính”. Quy chế sử dụng tiền Chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng được bản xây dựng và thực hiện với mục đích bảo vệ phát triển rừng. Rừng cộng đồng bản Cản được bảo vệ tốt, song song với đó là công tác phục hồi rừng được triển khai, chính vì thế nguồn nước tự nhiên từ rừng được đảm bảo cho người dân không chỉ đối với nhu cầu sinh hoạt mà còn phục vụ tốt cho tưới tiêu cây trồng. Trước thành công từ mô hình rừng cộng đồng bản Cản, thành viên đoàn thăm quan học hỏi được rất nhiều điều, những kiến thức học được sẽ góp phần tích cực giúp cho công tác bảo vệ, phát triển rừng của 4 xã dự án tại Thuận Châu.

Trước thực trạng thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh ở hầu hết các bản dự án, đoàn thăm quan được đến mô hình trình cấp nước sinh hoạt cộng đồng bản Huổi Lóng, xã Mùn Chung. Từng là một trong những địa phương thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, đến nay dưới sự quản lý nước của BQL nước xã Mùn Chung, đời sống dân sinh dần đi vào ổn định, đảm bảo nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho hơn 200 hộ gia đình cùng 4 trường học và các cơ quan ban ngành xã.

m7

m8

Thăm quan, học hỏi mô hình cấp nước sinh hoạt cộng đồng xã Mùn Chung

Được sự hỗ trợ không hoàn lại từ khối doanh nghiệp 200 triệu đồng cùng sự đóng góp thêm về kinh phí và nhân công của người dân, công trình nước tập trung được đầu tư, với công tác dân vận mà xã đã triển khai, hệ thống cấp nước sinh hoạt với công tơ được cung ứng đến từng hộ gia đình. Lãnh đạo xã cùng công an thể hiện quyết tâm vào cuộc đối với những hành vi có tính phá hoại hệ thống điều tiết nước. Công tác quản lý, điều tiết nước được vận hành trơn tru dưới sự điều hành của BQL nước, mức thu phí 2.000 đồng/ m3 khối nước là vừa đủ đảm bảo cho chi phí vận hành, duy tu, và hợp lý với cả những hộ còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Với mức đầu tư ban đầu không lớn để có được một hệ thống cấp nước sinh hoạt ổn định, mô hình quản lý nước cộng đồng của Mùn Chung được đại diện UBND 4 xã dự án đặc biệt quan tâm, áp dụng cho địa phương mình, từng bước cải thiện hiện trạng thiếu nước sinh hoạt.

Phát triển lâm sản ngoài gỗ, tạo sinh kế, bảo vệ rừng bền vững với mô hình trồng Thảo quả dưới tán rừng bản Ten Hon, xã Tênh Phông. Với thành phần dân tộc chủ yếu là đồng bào người Mông, sống dựa vào rừng, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cây Thảo quả được đưa đến Ten Hon như một chiếc chìa khóa mở ra cơ hội xóa đói giảm nghèo giúp người dân địa phương. Dao động từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng cho 1 kg Thảo quả khô, cây dược liệu này đã trở thành nguồn thu nhập chính đối với đồng bào người Mông nơi đây. Nhận thấy nguồn lợi từ rừng mang lại, cộng đồng Ten Hon chung tay bảo vệ rừng, tuân thủ lâm luật, canh tác thảo quả một cách bền vững. Tuy nhiên, mô hình trồng Thảo quả dưới tán rừng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro gây mất rừng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng cùng cán bộ bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm.

m9

m10

Trồng thảo quả dưới tán kết hợp bảo vệ rừng

Nuôi cá Hồi, cá Tầm

 

Nằm trên độ cao hơn 1200 m, được sự ưu ái từ hệ sinh thái rừng tự nhiên với khí hậu mát mẻ cùng những con suối chảy quanh năm, ông Sơn Hạnh tại bản Ten Hon đã đầu tư mô hình nuôi cá Hồi, cá Tầm, cung cấp thực phẩm có giá trị kinh tế cao cho thị trường thủy sản Tây Bắc. Thăm quan mô hình nuôi cá Hồi, cá Tầm giúp bà con Thuận Châu càng hiểu thêm được những giá trị từ mẹ thiên nhiên mang lại nếu bảo vệ rừng tốt.

Kết thúc chuyến thăm quan, những bài học, những trải nghiệm từ các mô hình sẽ được thành viên đoàn thăm quan lan tỏa đến cộng đồng thôn bản, góp phần xây dựng một nền nông lâm nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

m11

 

Đối tác chiến lược ngành in

in bạt