MENU TOP TITLE V A Nông nghiệp bền vữngBiến đổi khí hậuHoạt động mạng lướiVận động chính sáchSự kiện

Cách làm mới trong chọn tạo giống lúa thích ứng với đất nhiễm mặn

Một giống lúa thuần mới, cho gạo ngon hơn, năng suất cao đã được nhóm nông dân tại thôn Đông Tân, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc khảo nghiệm thành công trên đồng đất nhiễm mặn.

Là một xã ven biển của tỉnh Thanh Hóa, xâm thực mặn, hạn hán luôn là nỗi lo canh cánh trong lòng của bà con nông dân xã Đa Lộc. Có những năm hạn mặn lên đến đỉnh điểm, nông dân chỉ biết nhìn nhiều ha ruộng bao công chăm bón trở nên héo rụi, mất trắng hoàn toàn.

Bao năm nay người dân nơi đây, đặc biệt những hộ nghèo mong ước tìm được những giống lúa chịu được đồng đất mặn quê mình cho cơm ngon và năng suất cao. Ước mơ đó ngày càng cháy bỏng khi gần đây do sự biến đổi của khí hậu làm cho hạn hán xảy ra thường xuyên hơn, độ mặn của đất canh tác ngày càng tăng cao và nhiễm mặn nguồn nước ngọt khiến cho nhiều cánh đồng lúa trong xã phải chuyển sang cây trồng khác, thậm chí có những khu ruộng bỏ hoang không cấy trồng gì được. 

Anh 1

 Một buổi sinh hoạt của nhóm nông dân tham gia chọn tạo giống lúa

Đến vụ xuân năm nay  bà con thôn Đông Tân trong xã đã phần nào vơi đi những thấp thỏm lo âu khi tìm ra 1 giống lúa thuần phù hợp với đồng đất quê mình. Đây là thành quả của 20 nông dân trong thôn sau khi được tham gia khóa đào tạo các kĩ năng về bảo tồn & chọn tạo giống lúa theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Hoạt động của lớp học nằm trong khuôn khổ dự án “Đưa lý thuyết vào thực tiễn: Mở rộng quy mô quản lý đa dạng sinh học của người dân đối với an ninh lương thực” do  Tổ chức Nâng cao năng lực cộng đồng khu vực Đông Nam Á của Phillipine (viết tắt SEARICE) tài trợ thông qua Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) cùng phối hợp với Viện Cây lương thực & Cây thực phẩm (CLT&CTP) và Cục Bảo vệ thực vật (BVTV). Lớp học ruộng đồng được tổ chức tại thôn Đông Tân bắt đầu từ vụ xuân 2013 với Giảng viên là các Cán bộ của Chi cục BVTV tỉnh Thanh Hóa đã được đào tạo trong khóa huấn luyện cho giảng viên nguồn do dự án tổ chức tại Hòa Bình vụ mùanăm 2012. Tham gia lớp học, các học viên được giới thiệu và hướng dẫn thực hành những kỹ thuật về chọn tạo giống như phục tráng, chọn dòng phân ly, so sánh giống và áp dụng phương pháp thâm canh lúa cải tiến SRI. Điểm đặc biệt của lớp học  này đó là các học viên chủ động tham gia từ khâu xây dựng các khảo nghiệm đến  tổ chức nghiên cứu, theo dõi cũng như các biện pháp tác động trên đồng ruộng suốt hơn 3 tháng. Quá trình đưa một giống lúa từ phòng thí nghiệm đến đồng đất phải trải qua nhiều khảo nghiệm, thí điểm để đánh giá đặc tính, tính phù hợp tưởng chừng như chỉ dành cho những nhà khoa học. Vậy mà những người nông dân nơi đây đã chứng minh rằng họ hoàn toàn có đủ năng lực kỹ thuật để tham gia vào quá trình này. Trải qua 3 mùa vụ thực hiện đánh giá một sốgiống lúachịu mặndo Viện CLT&CTP cung cấp như M2, M4, M11 và M12 so với những giốngđang trồng rộng rãitại địa phương, nông dân đã chọn lọc được giống lúa M2 có tiềm năng phát triển tại các khu ruộng mặn trong thôn.

Anh 2

 Chị Tiến đang thực hành kỹ thuật được học trên lớp

Đến tham dự một buổi sinh hoạt định kỳ của nhóm nông dân vào một ngày giữa tháng 4, chúng tôi bắt gặp những khuôn mặt hồ hởi, tự tin của những người nông dân nơi đây. Trò chuyện với chúng tôi, chị Trần Thị Tiến, lớp trưởng lớp học kể: “Sau vụ đầu tiên khảo nghiệm tại ruộng lớp học chúng tôi rất thích giống M2 vì cho năng suất đạt 2,8 tạ/sào, lá lúa nhỏ dễ làm chứ không như giống Nhị ưu 838  lá to cứng khó chăm sóc. Tôi đã lấy 2 bò lúa giống M2 từ ruộng lớp học, và gieo khoảng 2 thước trong vụ mùa 2013. Tôi đã áp dụng những gì cán bộ hướng dẫn cấy 1 dảnh và cấy mạ non, bón phân đúng thời điểm. Sau vụ mùa so khu ruộng trồng giống Nhị ưu 838 và Dưu 527 tôi thấy M2 hơn hẳn, M2 rất chi năng suất ăn thử cơm rất ngon. Gia đình tôi trước đây chỉ cấy chủ yếu giống Nhị ưu 838 vì chỉ giống này mới chịu được khu đồng 2 lúa bị mặn. Nhưng gạo thu được nhà tôi không ăn mà để chăn nuôi vì cơm khô. Đến vụ xuân này chúng tôi quyết định dùng toàn bộ 1,6 sào  ruộng 2 lúa để cấy M2. Đến thời điểm này chưa thu hoạch nhưng so với những ruộng lúa bên cạnh chị nhìn xem M2 phát triển hơn hẳn.” .Từ ngày canh tác lúa M2, biết được kỹ thuật để giống, và áp dụng những nguyên tắc của phương pháp SRI, nhiều hộ nông dân như gia đình chị Tiến rất phấn khởi vì đã tiệt kiệm được khoảng 200 nghìn chi phí sản xuất trên một sào (500m2) lúa do không phải mất tiền mua lúa giống, số lần phun thuốc trừ sâu ít hơn do lúa M2 có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, cần ít công chăm sóc hơn.

Giống lúa M2 do chính tay các học viên nông dân tham gia lớp học ở Đông Tân gieo cấy, so sánh, đánh giá và giữ giống đang dần chiếm được cảm tình của bà con chòm xóm. Những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn nơi đây đang tích cực tuyên truyền cho bà con láng giềng biết đến 1 giống lúa thuần có thể phát triển tốt không chỉ trong vụ mùa mà còn ở cả vụ xuân trên những chân đất mặn. Chị Tiến cũng như thành viên khác trong lớp hy vọng một ngày không xa, xã có nhiều hơn nữa những cánh đồng M2 thẳng cánh cò bay, góp phần bớt đi những nhọc nhằn cho người nông dân canh tác lúa trên đất mặn đồng chua và nông dân Đa Lộc sẽ rất tự hào khi cùng đồng hành với Viện CTL&CTP chọn tạo được 1 giống lúa thuần được công nhận giống quốc gia./.

 

Nguồn: Cổng thông tin Sở NN&PTNN Thanh Hóa

Link:http://snnptnt.thanhhoa.gov.vn/Default.aspx?portalid=admin&selectpageid=page.1&n_g_manager=14&newsdetail=News.2994

 

Đối tác chiến lược ngành in

in bạt