MENU TOP TITLE V A Nông nghiệp bền vữngBiến đổi khí hậuHoạt động mạng lướiVận động chính sáchSự kiện

Đối tác chiến lược của

noi that hoa phat

RỪNG CỘNG ĐỒNG VÀ QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM

RỪNG CỘNG ĐỒNG VÀ QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM

Nguyễn Văn Ngọc Hiên

Giao rừng cho cộng đồng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong thực hiện các chính sách lâm nghiệp, góp phần xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc miền núi xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống và tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Việc cộng đồng tham gia quản lý rừng đã mang lại nhiều lợi ích tích cực trong quá trình thực hiện quản lý rừng bền vững ở Việt Nam nhưng cũng còn nhiều bất cập hạn chế.

-  Cộng đồng được công nhận là chủ rừng và thừa nhận rừng cộng đồng:

Từ những năm 2000 của thế kỷ 20, khuôn khổ luật pháp về rừng cộng đồng và quản lý rừng cộng đồng dần được hình thành, ngày càng hoàn thiện đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho phát triển rừng cộng đồng. “Cộng đồng dân cư” đã dần được thừa nhận là một trong những người sử dụng đất, sở hữu rừng qua các quy định trong Luật đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 cho đến nay là Luật Lâm nghiệp 2017, và nhiều thông tư, nghị định, quy định về giao đất, giao rừng cho cộng đồng. Điểm nổi bật của Luật Lâm nghiệp 2017 là Nhà nước công nhận quyền sở hữu của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đối với rừng sản xuất là rừng trồng do họ tự đầu tư hoặc nhận chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật (khoản 2, Điều 7).

Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng tín ngưỡng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất được quy định tại Điều 86 Luật Lâm nghiệp 2017 về tổ chức sản xuất như được hướng dẫn sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp, canh tác dưới tán rừng; được hỗ trợ phát triển kinh tế rừng, được chia sẻ lợi ích từ rừng theo chính sách của Nhà nước, không được phân chia rừng cho các thành viên trong cộng đồng dân cư; không được chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng rừng; thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng.

Có thể thấy, rừng cộng đồng đã được pháp luật nước ta thừa nhận, đó là những khu rừng của cộng đồng và cộng đồng có quyền sở hữu đối với rừng trồng do cộng đồng dân cư đầu tư, quyền sử dụng đối với rừng tự nhiên được Nhà nước giao. Ngay sau khi Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chỉ tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp ra đời và luật Lâm nghiệp 2017 chính thức có hiệu lực, nhiều địa phương đã bắt đầu xây dựng kế hoạch phát triển rừng cộng đồng, điển hình như tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều đã xây dựng và ban hành Quy chế quản lý rừng cộng đồng (Quyết định số 62/2019/QĐ-UBND tỉnh) tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng và phát triển rừng cộng đồng của địa phương trong thời gian tới.

-  Diện tích rừng cộng đồng còn hạn chế, cộng đồng chưa được thực sự là chủ rừng:

Theo báo cáo hiện trạng rừng Việt Nam năm 2018 của Tổng cục Lâm nghiệp, diện tích rừng mà cộng đồng dân cư sở hữu, tham gia quản lý là 1.156.714 ha chiếm gần 8% tổng diện tích có rừng của cả nước, trong đó trên 90% là rừng tự nhiên (1.051.224 ha) còn lại là 105.490 ha rừng trồng. Trong diện tích rừng nêu trên, tính đến năm 2014, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 524.477 ha rừng, chiếm 3,67% tổng diện tích rừng của cả nước cho trên 10.000 cộng đồng (Bộ NN và PTNT, 2014). Đây là rừng và đất lâm nghiệp sử dụng vào mục đích lâm nghiệp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho cộng đồng quản lý, sử dụng ổn định lâu dài, có quyết định hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và rừng.

Diện tích rừng cộng đồng còn rất hạn chế, ít hơn nhiều so với diện tích rừng của các chủ rừng khác, thấp hơn nhiều diện tích các UBND xã đang quản lý (3.094.893 ha). Quá trình thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho cộng đồng còn chậm và nhiều bất cập, chưa có số liệu thống kê đầy đủ, tách bạch giữa các đối tượng rừng 4 do cộng đồng đang quản lý (rừng đã giao cho cộng đồng nhưng chưa cấp giấy chúng nhận quyền sử dụng rừng, rừng đã cấp giấy chứng nhận sử dụng rừng và rừng do cộng đồng tự công nhận) để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận sử dụng rừng cho cộng đồng dân cư, xác lập quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư đối với rừng cộng đồng, giải quyết những tranh chấp giữa các chủ rừng. Việc cộng đồng tham gia quản lý rừng nhưng không được giao quyền làm chủ, kể cả ở những khu rừng được quản lý theo truyền thống, luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số đang gây khó khăn cho tổ chức quản lý, phát triển, sử dụng và phục hồi rừng của cộng đồng địa phương, đồng thời là nguy cơ gây mất, suy thoái rừng.

-         Đóng cửa rừng tự nhiên tác động lớn đến rừng cộng đồng:

Việc tuyệt đối hóa “tất cả rừng tự nhiên” ở Việt Nam đều thuộc sở hữu toàn dân ở một số khía cạnh sẽ không phù hợp với thực tế hiện nay và rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng xung đột trong quản lý sử dụng rừng một cách gay gắt hơn, giống với hiện trạng trong lĩnh vực đất đai hiện tại. Việc diễn giải “rừng là của chung” rất dễ dẫn đến tình trạng các chủ thể, bao gồm cả tổ chức Nhà nước, doanh nghiệp hay người dân tìm cách khai thác rừng của Nhà nước để tư lợi; hệ quả làm triệt tiêu động lực bảo vệ rừng của các chủ thể tích cực và làm giảm hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, bảo vệ rừng nói chung. Khi chính sách cấm khai thác gỗ thương mại tự nhiên và chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên do Chính phủ chỉ đạo vẫn còn hiệu lực đã vô hình chung khóa chặt cơ hội hưởng lợi từ rừng tự nhiên của các chủ thể nhận giao rừng. Nói cách khác, chủ rừng đối với rừng tự nhiên, đặc biệt đối với chủ rừng cộng đồng chỉ là một “hư quyền” mà không phải là “thực quyền” cho chủ rừng.

Quản lý rừng cộng đồng đã được chứng minh là một trong những phương thức quản lý rừng hiệu quả, hài hoà giữa quyền hưởng dụng rừng, tôn trọng giá trị truyền thống của cộng đồng địa phương đi kèm với các lợi ích sinh thái, bảo tồn rừng. Phương thức này cũng gắn liền với quá trình chuyển dịch từ phương thức quản lý tập trung nhà nước sang quản trị rừng với sự tham gia của nhiều bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng địa phương.

Đối tác chiến lược ngành in

in bạt