MENU TOP TITLE V A Nông nghiệp bền vữngBiến đổi khí hậuHoạt động mạng lướiVận động chính sáchSự kiện

Đối tác chiến lược của

noi that hoa phat

Hoạt động đánh giá nội bộ chương trình “Đưa lý thuyết vào thực tiễn - Mở rộng quy mô quản lý đa dạng sinh học của người dân nhằm bảo đảm an ninh lương thực” tại Việt Nam.

Chương trình "Đưa lý thuyết vào thực tiễn - Mở rộng quy mô quản lý đa dạng sinh học của người dân nhằm bảo đảm an ninh lương thực" được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) và tổ chức Oxfam Novib tiến hành tại 03 nước Peru, Zimbabwe và Việt Nam từ tháng 6/2012 đến tháng 5/2015. Tại Việt Nam, dự án được triển khai thông qua tổ chức SEARICE Philippine hợp tác với Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD), Cục Bảo vệ Thực vật và Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (CLT&CTP) Việt Nam tại 05 tỉnh gồm Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình và Thanh Hóa.
Mục đích của chương trình nhằm duy trì, củng cố và lồng ghép các nhu cầu và năng lực kỹ thuật của nông dân sản xuất nhỏ và các nhóm dân tộc thiểu số; gắn kết họ với các đối thoại chính sách trong nước và quốc tế, đồng thời làm việc với các cơ quan nghiên cứu về việc sử dụng bền vững các nguồn gen di truyền thực vật nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH).
Đầu tháng 9/2015 vừa qua, Chương trình đã tổ chức đánh giá nội bộ với chuỗi hoạt động gồm Hội thảo đánh giá tại Hà Nội (ngày 3/9/2015) và hai ngày đánh giá thực địa tại tỉnh Yên Bái (ngày 4 và 5/9/2015) thông qua sự điều phối tổ chức của Trung tâm SRD. Hoạt động đánh giá nội bộ này nhằm tổng kết những thành tựu đạt được của chương trình trong 03 năm triển khai tại miền Bắc Việt Nam, đúc rút những bài học kinh nghiệm và xác định hướng đi bền vững cho giai đoạn tiếp theo.

Hội thảo đánh giá tại Hà Nội
Hội thảo đánh giá dự án tại Hà Nội có sự tham gia của 11 đại biểu quốc tế đến từ tổ chức Oxfam Novib Hà Lan, các đối tác thực hiện chương trình ở ba quốc gia (tổ chức CTDT từ Zimbabue, tổ chức ANDES từ Peru, tổ chức SEARICE - Philippine), các chuyên gia đánh giá độc lập đến từ trường Đại học Nông nghiệp Nauy, Trung tâm Nguồn gen - Đại học Wageningen Hà Lan và đại diện các đối tác Việt Nam từ Trung tâm SRD, Cục Bảo vệ Thực vật, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm Việt Nam.

Cô Hòa phát biểu

Bà Nguyễn Thị Hòa đại diện đến từ SRD phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, cách tiếp cận của mỗi tổ chức, tiến trình thực hiện chương trình và những bài học kinh nghiệm từ Peru, Zimbabue và Việtnam được thảo luận sôi nổi, chia sẻ cởi mở cùng với những phân tích đa chiều từ các đại biểu tham gia.

Hội thảo tại Hà Nội

Đại diện từ Peru phát biểu trong hội thảo

Đặc biệt, các đại biểu quốc tế bày tỏ ấn tượng với phần trình bày của Bà Nguyễn Thị Hòa – Phó Giám đốc Trung tâm SRD về kết quả chương trình đạt được tại miền Bắc Việt Nam. Trong đó, một số thành tựu nổi bật mà SRD và các đối tác Việt Nam đã đạt được như: đào tạo được 630 nông dân nòng cốt, với 79% nữ nông dân tham gia hoạt động chọn tạo và sản xuất lúa giống; thúc đẩy hoạt động trao đổi lúa giống trong cộng đồng bản địa; đa dạng nguồn gen cây lúa thích ứng với điều kiện canh tác bất thuận; góp phần ổn định năng suất lúa trên những cánh đồng dễ chịu tác động của BĐKH;...

Đánh giá thực địa tại tỉnh Yên Bái
Trước khi tới đánh giá vùng dự án tại xã Bảo Ái và Bạch Hà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, đoàn đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Yên Bái. Theo đánh giá của các đối tác địa phương, phương pháp đào tạo nông dân thông qua các lớp FFS đã đáp ứng được nguyện vọng của bà con bởi nội dung đào tạo đi sâu vào thực tiễn sản xuất và phù hợp điều kiện canh tác của nông dân ở khu vực miền núi. Đồng thời, địa bàn của dự án cũng là vùng có nhiều hộ dân nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với nguồn sống chính từ sản xuất nông nghiệp.

tại sở nnptnn

Đoàn đánh giá tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái

Chiều ngày 4/9/2015, tại nhà văn hóa thôn An Bình, xã Bảo Ái, đoàn đánh giá và khách mời đã cùng địa phương tham quan triển lãm thóc giống do nông dân tham gia các lớp FFS ở tỉnh Yên Bái và các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa chọn tạo và phát triển. Các giống lúa bản địa từ 05 tỉnh dự án và những giống lúa mới do Viện CLT&CTP cung cấp, được chọn lọc bởi nông dân các tỉnh dự án đã được giới thiệu tại triển lãm.

Gian hàng trưng bày

Gian hàng trưng bày sản phẩm tại xã Bảo Ái

Các đại biểu cũng được xem một số bộ film ngắn do chính các nhóm nông dân tự quay về các hoạt động lớp FFS. Thông qua các bộ film, thăm và phỏng vấn trực tiếp tại các ruộng nghiên cứu ở 02 điểm FFS ở xã Bảo Ái và xã Bạch Hà do nông dân quản lý, đoàn đại biểu quốc tế bày tỏ ấn tượng với kĩ năng lai tạo và chọn dòng phân ly của nông dân cũng như các kiến thức bản địa của từng địa phương đã được áp dụng vào phục tráng và chọn lọc giống lúa mới.
Tại đồng ruộng, các chuyên gia và nông dân địa phương đã trao đổi thông tin về kỹ thuật, kinh nghiệm, truyền thống và tín ngưỡng trong canh tác, cách thức tổ chức thực hiện, những khó khăn mà địa phương hiện có. Các chuyên gia đánh giá đưa ra nhiều lời khuyên, gợi ý về việc xây dựng ngân hàng giống của địa phương để lưu giữ những nguồn giống lúa bản địa có tính thích ứng cao với BĐKH, giúp bà con chủ động phát triển các giống lúa mới trong tương lai.

Thăm ruộng bảo ái

Đoàn đánh giá đi thăm ruộng của người dân thực hiện dự án tại xã Bảo Ái

Qua chia sẻ từ các nhóm nông dân, với những kiến thức và hỗ trợ từ lớp học FFS, nông dân địa phương đã từng bước làm chủ về kiến thức và kỹ thuật trong chọn tạo giống lúa. Nhóm nông dân tại xã Bảo Ái chia sẻ kế hoạch tiếp tục cải tạo nhược điểm của giống nếp Lếch bản địa bằng cách lai tạo với giống nếp 97 nhằm giữ chất lượng và tăng năng suất. Nhóm nông dân xã Bạch Hà lại tin tưởng vào kết quả phát triển 02 dòng phân ly thế hệ F7 thành giống lúa mới có khả năng chịu hạn, chịu rét và chống chịu sâu bệnh tốt.

hoạt động lai tạo

Hoạt động lai tạo của người dân

Ông Đặng Thanh Hải – Bí thư xã Bảo Ái phát biểu trong triển lãm lúa giống: "Từ những người bình thường, bà con nông dân đã có những kiến thức và kỹ năng giúp tạo ra những giống lúa tốt như vậy. Chúng tôi rất phấn khởi, cảm ơn sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và Việt Nam. Chúng tôi mong được sự quan tâm hơn nữa để có thể lại tạo không chỉ giống lúa mà còn giống vật nuôi, giúp phát triển đời sống nhân dân."

SRD chia sẻ

Chia sẻ của cán bộ dự án của SRD

Các chuyên gia, đại diện các tổ chức tham gia đoàn đều đánh giá cao nỗ lực, tâm huyết của người dân trong việc bảo tồn và phát triển đa dạng nguồn giống, gen lúa cũng như duy trì bền vững hoạt động trao đổi lúa giống tại cộng đồng. Chia sẻ cảm nhận về chuyến công tác này, ông Lambertus Visser – Giám đốc Trung tâm Nguồn gen – Đại học Wageningen cho biết những thông tin do chuyến đi này mang lại rất hữu ích và sẽ là đầu vào quan trọng cho báo cáo đánh giá cuối dự án mà ông và các đồng nghiệp đang thực hiện.
Sau chuyến thăm quan tại tỉnh Yên Bái, đoàn đánh giá tiếp tục chuyến thăm quan các hoạt động của chương trình tại miền Nam Việt Nam và tổ chức Hội thảo tổng kết tại TP.Cần Thơ vào ngày 9/9/2015. Đoàn đã nhất trí về thành công của dự án tại miền Bắc Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức về BĐKH cho nông dân và thúc đẩy các hành động cụ thể của cộng đồng để xây dựng chiến lược thích ứng với BĐKH thông qua việc huy động sự tham gia của nông dân vào hoạt động chọn tạo giống lúa và lưu giữ các nguồn gen quý. Đặc biệt, mô hình hợp tác giữa SRD và cơ quan nghiên cứu Viện CLT&CTP cùng các đối tác địa phương Chi cục BVTV đã phát huy được vai trò của nông dân tham gia hiệu quả vào công tác chọn tạo giống lúa cho vùng canh tác khó khăn. Đây sẽ là tiền đề để tiếp tục xây dựng lộ trình phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

-SRD-

Đối tác chiến lược ngành in

in bạt