MENU TOP TITLE V A Nông nghiệp bền vữngBiến đổi khí hậuHoạt động mạng lướiVận động chính sáchSự kiện

Đối tác chiến lược của

noi that hoa phat

Phục tráng giống lúa Tan Đỏ, Nếp Chiến. Lưu giữ và bảo tồn giá trị văn hóa – tinh thần của người Thái, huyện Thuận Châu

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La có rất nhiều giống lúa bản địa đã và đang được gieo trồng hàng năm như: Nếp Chiến, Tan Lanh (Tan Đỏ), Tan Bong, Tan Hin, Tan Nhe, Tan Vàng ......Tuy nhiên, do các loại lúa nếp bản địa thường cho năng suất thấp nên phần lớn người dân tại 4 xã dự án đã chuyển sang cấy những loại giống lúa lai năng suất cao. Điều này trước mắt sẽ giúp họ có thêm gạo để ăn, không bị áp lực trong việc chọn lựa giống để tránh sâu bệnh, nhưng về lâu dài lại gây ra đa chủng nguồn giống, bị phụ thuộc vào các công ty cung cấp giống cũng như khả năng các giống lúa bản địa bị mất đi trong tương lai. Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu đặc thù của vùng núi Tây Bắc cũng đã làm tình trạng thoái hóa giống xảy ra nhanh khi người dân canh tác quá nhiều giống lúa lai, lúa thuần lai cùng một ít các giống bản địa, dẫn đến gia tăng sâu bệnh hại, giảm chất lượng lúa, gạo. Một số giống lúa mới chỉ trải qua 4 đến 5 vụ là đã bị thoái hóa, năng suất và chất lượng đã bị suy giảm rõ rêt. 

Các giống lúa nếp bản địa qua nhiều năm đã hình thành tính trạng thích nghi với điều kiện thời tiết bất lợi của địa phương như: chịu hạn, chịu rét, thích nghi với đất đai, thổ nhưỡng hoặc có khả năng chống chịu tốt với một số đối tượng sinh vật hại lúa.. Tuy nhiên, do các giống nếp này mang đặc tính là giống lúa cảm quang, trong một năm chỉ trồng được vào vụ mùa, tổng sản lượng cả năm thấp hơn các giống lúa khác nên người dân chỉ gieo trồng với diện tích nhỏ, để dành gạo vào ngày lễ, ngày tết, các dịp đặc biệt trong năm mà chưa chú trọng vào việc canh tác theo hướng kinh doanh hàng hóa, quy đổi giá trị kinh tế để nâng cao thu nhập như các giống lúa mới khác. Hơn nữa, trong quá trình thu hoạch, việc chọn hạt để giống, bảo quản lúa giống còn sơ sài dẫn đến bị lẫn tạp, lẫn các hạt giống bị lai tạo tự nhiên đã làm mất đi đặc tính ưu việt của các giống lúa nếp bản địa.

Tại bản Biên, xã Nậm Lầu và bản Ta Khoang, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, người dân chủ yếu canh tác lúa dựa trên kinh nghiệm truyền thống, bón phân không cân đối giữa phân vô cơ và hữu cơ, bón không đúng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, lạm dụng quá nhiều phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Điều này dẫn đến tình trạng đất bị chai cứng, hệ vi sinh vật trong đất bị tiêu diệt, các loại sinh vật gây hại phát sinh mạnh, đa dạng sinh học hệ sinh thái trên đồng ruộng bị suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến thiên địch và các sinh vật có ích, mức độ kháng thuốc của sinh vật hại gia tăng và bùng phát dịch hại, ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí, trực tiếp làm gia tăng các tác động của biến đổi khí hậu lên đời sống của người nông dân tại khu vực.

Giải pháp bền vững và chủ động nhất trong công tác bảo vệ môi trường và làm giảm tác động của biến đổi khí hậu hiện nay là việc áp dụng Chiến lược quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), trong đó coi trọng việc sử dụng giống cây trồng như một yếu tố chống chịu sâu bệnh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, canh tác chăm sóc cây khỏe, bảo vệ hệ sinh thái và thiên địch, sử dụng nhiều phân hữu cơ, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật sự cần thiết và ưu tiên sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học, thảo mộc thay thế các thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học.

Trước yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn sản xuất tại địa phương, việc phục tráng giống lúa nếp đặc sản bản địa chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh, thích nghi với điều kiện thời tiết và thói quen canh tác của địa phương nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cao về gạo chất lượng, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, chủ động nguồn giống là rất cần thiết. SRD đã kết hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La và UBND huyện Thuận Châu đã lựa chọn và tiến hành thí nghiệm phục tráng 2 giống lúa: giống nếp Chiến (bản Biên, xã Nậm Lầu) và giống nếp Tan Đỏ (bản Ta Khoang, xã Chiềng Pha) nhằm bảo tồn và phát triển giống lúa nếp bản địa, đảm bảo an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là 2 giống lúa nếp có chất lượng gạo đặc biệt thơm, dẻo, đã được gieo trồng qua nhiều năm tại địa phương nên đã bị thoái hóa, phân ly, lẫn tạp, chất lượng gạo và năng suất đã bị giảm nhiều.

Khóa tập huấn cho nông dân kết hợp với mô hình trình diễn về “Phục tráng giống lúa nếp địa phương và canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu trong vụ Mùa năm 2021 thuộc Dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc” đã được triển khai bắt đầu từ tháng 7 năm 2021 đến tháng 11 năm 2021. Tham dự khóa học gồm 60 học viên là nông dân của bản Biên, xã Nậm Lầu và bản Ta Khoang, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu. 100% học viên tham dự là dân tộc Thái. Khóa học được thực hành ngay tại ruộng mô hình trình diễn. Sau mỗi chuyên đề về lý thuyết tiến hành thực hành thao tác các bước triển khai nhằm hệ thống lại kiến thức và giúp học viên thao tác một cách thành thạo và rèn luyện thái độ nghiêm túc cho học viên. Các học viên được hướng dẫn để theo dõi đặc điểm nông sinh học từ giai đoạn mạ, cấy lúa đến khi lúa bắt đầu đẻ nhánh, tiến hành cắm cọc, tiếp tục quan sát, theo dõi và khử lẫn tạp đến khi thu hoạch.

 

b832ed041aced19088df

Giảng viên và học viên thực hiện cấy lúa trong ruộng mô hình phục tráng giống lúa nếp Tan Đỏ 

e47005e9f323387d6132

 Giảng viên hướng dẫn và cùng học viên lựa chọn những cây lúa mang các đặc tính thuần chủng và cắm cọc đánh dấu 

Kết thúc vụ mùa 2021, kết quả phục tráng giống lúa nếp Chiến, nếp Tan Đỏ đã thu được kết quả bước 1 (năm chọn lọc giống thứ nhất tạo giống thế hệ G1). Nhóm thực hiện đã chọn lọc được 150 cây lúa tại mỗi ruộng mô hình có đặc điểm giống, gần giống, tương tự với đặc điểm của giống lúa Nếp Chiến, nếp Tan Đỏ để thu hạt giống và tiếp tục cấy vào vụ mùa năm 2022. Nhóm thực hiện sẽ tiếp tục đánh giá và chọn lọc ở thế hệ G1 bằng việc thực hiện lại quá trình thí nghiệm tương tự vụ mùa 2021 cùng với bà con các bản dự án.

Song song với việc học các thí nghiệm phục tráng giống lúa tại các đợt tập huấn, bà con còn được hướng dẫn kỹ thuật cấy lúa thích ứng với biến đổi khí hậu (CAR) như: cấy lúa thuần/ lúa bản địa, cấy thưa, cấy ít dảnh (1-2 dảnh), bón phân hữu cơ, bón phân tập trung vào các thời kỳ thiết yếu, quản lý sâu bệnh gây hại giúp cây lúa của bản phát triển bền vững, giảm thiệt hại do sâu bệnh hại và tăng năng suất, chất lượng hạt lúa và góp phần ổn định an ninh lương thực của bản. Khi áp dụng phương pháp này, bà con chỉ được dùng phân hữu cơ bón cho lúa qua các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học thân thiện với môi trường, tập trung vào biện pháp canh tác, điều tiết nước hợp lý theo giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa giúp cây lúa khỏe mạnh tăng cường khả năng chống chịu của cây lúa với sâu bệnh hại, với điều kiện thời tiết bất thuận và thích ứng với BĐKH từ đó giảm thiểu chi phí đầu tư đầu vào vật tư nông nghiệp cho bà con, giảm các khí phát thải trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường xung quang, bảo vệ thiên địch trên đồng ruộng. Đây là một phương pháp sản xuất bền vững có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường và giúp người dân tăng tính thích ứng với những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Các giải pháp kỹ thuật áp dung vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con, vừa có tác dụng làm gia tăng hệ vi sinh vật có lợi trong đất, giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh thái đồng ruộng (làm gia tăng số loài thiên địch), bảo vệ môi trường lâu dài.

Học viên nhận thức được lợi ích của chương trình đem lại như giảm được chi phí đầu vào khoảng 60 - 80 % lượng giống, 10 - 20 % phân bón; số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm; tận dụng nguồn rơm rạ vào trong sản xuất, giảm bớt khí phát thải vào môi trường, bảo vệ sức khỏe con người,… Qua các khóa tập huấn với mô hình trình diễn này, các nhóm học viên đã có thể chủ động áp dụng tại gia đình họ, chia sẻ lại và tự tin khuyến khích các hộ gia đình khác trong bản cùng ứng dụng thực hiện kỹ thuật cấy lúa CAR ở các vụ tiếp theo. Đối với 60 hộ gia đình tham gia lớp tập huấn phục tráng thì có khoảng hơn 30 hộ cam kết sẽ quay trở lại cấy lúa nếp Tan từ năm 2022 (trước khi tập huấn mới chỉ có chưa đến 10 hộ cấy các giống lúa Tan).

Xem thông tin chi tiết về các mô hình và kết quả đạt được ở link kèm theo:

Báo cáo kết quả phục tráng lúa vụ 1 xã Chiềng Pha 

Báo cáo kết quả phục tráng lúa vụ 1 xã Nậm Lầu 

Báo cáo tổng kết phục tráng lúa vụ 1 xã Chiềng Pha

Báo cáo tổng kết phục tráng lúa vụ 1 xã Nậm Lầu 

Một số ảnh minh họa

75073c544aba82e4dbab

Lãnh đạo SRD và lãnh đạo Chi cục TT&BVTV tham dự hội thảo đầu bờ tại bản Biên, xã Nậm Lầu

Phục tráng lúa 3

Đại biểu và học viên thảo luận tại ruộng mô hình bản Ta Khoang, xã Chiềng Pha

Phục tráng láu 5

Các đại biểu thảo luận thêm về các giống lúa nếp bản địa được phát hiện tại ruộng mô hình phục tráng

Phục tráng lúa 6

Giống lúa Tan Đỏ với nhiều đặc tính thuần chủng (2 ảnh bên tay trái) và hai giống nếp lẫn tạp trong ruộng mô hình phục tráng

 9eb2f3da072fcf71963e

Bà Vũ Thị Bích Hợp - Giám đốc SRD tham dự và chia sẻ tại hội thảo

c82c6af3de7715294c66

Chủ tịch UBND xã Chiềng Pha tham dự và phát biểu tại hội thảo mô hình phục tráng lúa

Đối tác chiến lược ngành in

in bạt