MENU TOP TITLE V A Nông nghiệp bền vữngBiến đổi khí hậuHoạt động mạng lướiVận động chính sáchSự kiện

Đối tác chiến lược của

noi that hoa phat

Tham quan học hỏi Mô hình quản lý nước, nông lâm kết hợp, canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu

Trong ngày 13 và ngày 14/11, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) đã phối hợp cùng Ban quản lí Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải tổ chức chuyến tham quan các mô hình nổi bật về bảo vệ phát triển rừng, canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước tại tỉnh Yên Bái. Hoạt động nằm trong khuôn khổ “Dự án giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực Nông – Lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc” nhằm tạo cơ hội giúp lãnh đạo địa phương và bà con nông dân tham gia dự án có những trải nghiệm thực tế, học hỏi kinh nghiệm để về áp dụng tại địa phương.  

 

Tham gia chuyến tham quan lần này có lãnh đạo, quản lý dự án và cán bộ dự án từ Trung tâm SRD, đại diện Chi cục TT&BVTV tỉnh Sơn La cùng bà con nông dân từ các bản thuộc 4 xã: xã Nậm Lầu, xã Chiềng Pha, xã Muổi Nọi và xã Bon Phặng. Nhận được sự hỗ trợ từ các cán bộ Ban quản lí Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải cùng phó chủ tịch xã Nậm Khắt,  anh Lý A Sử, đoàn tham quan đã ghé thăm các mô hình: Mô hình quản lý nước, mô hình nuôi trồng kết hợp (Hồng giòn – lợn rừng) bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt; Mô hình nông lâm kết hợp trồng ngô xen táo mèo, xã Nậm Khắt, Mô hình rừng trúc xã Púng Luông; Mô hình ao cá tầm, cá hồi và Mô hình trồng sa nhân, thảo quả dưới tán rừng xã Cao Phạ. 

 

Sau chuyến đi, người dân đều ấn tượng sâu sắc với các mô hình, và quan trọng hơn, họ đã tích luỹ được những kinh nghiệm phù hợp để áp dụng tại bản, xã mình. Như mô hình quản lý nước tại xã Nậm Khắt, được xây dựng với 2 bể nước lớn và hệ thống dẫn về két nước tại các hộ dân. Bà con đã có khoảng thời gian trao đổi với đại diện Tổ hợp tác quản lý nước của xã để hiểu sâu thêm về cách triển khai cũng như quản lý nguồn nước, để có thể áp dụng tại hai xã Chiềng Pha và Muổi Nọi - hai xã điển hình về tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Ngoài những điểm khác biệt về quy mô, bà con đã bất ngờ với cách tổ chức, quản lý nước ở đây, chủ yếu người dân xã Nậm Khắt đã tự nguyện tham gia Tổ hợp tác quản lý nguồn nước. Kinh phí hoạt động cho Tổ chỉ lấy từ nguồn thu nhỏ là 24.000đ/hộ/năm. Theo đại diện xã Nậm Khắt, bảo vệ rừng là yếu tố quan trọng tiên quyết để giữ được nguồn nước dồi dào như tại đây.  

 IMG 1563

 IMG 1567

Mô hình quản lý nước tại bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái 

 

Mô hình trồng cây và nuôi lợn rừng theo hướng hàng hóa ở bản Hua Khắt là một trong những mô hình tiêu biểu của tỉnh, đã giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế. Tham quan vườn hồng cùng mô hình lợn rừng chăn thả theo hướng bán tự nhiên dưới tán vườn hồng, anh Sử cho hay: “Lợi nhuận thu được tính trung bình trên mỗi cây mỗi vụ rơi vào khoảng 1 triệu. Nếu để so sánh với những cây trồng ngắn ngày như ngô, thì sản lượng nhiều hơn gấp nhiều lần, bên cạnh đó giá trị thu được từ lợn rừng đã góp phần nhân đôi thu nhập, thậm chí là nhân ba”. Có thể thấy đây là mô hình có thể áp dụng được những xã ở vùng cao như Nậm Lầu, Muổi Nọi. Sau chuyến tham quan, ông Quàng Văn Bá đại diện xã Muổi Nọi chia sẻ: “Tôi ấn tượng nhất với mô hình chăn nuôi kết hợp Hồng giòn – Lợn rừng. Với tinh thần được tận mắt nhìn thấy mô hình đem lại nguồn kinh tế ổn định cho bà con xã Nậm Khắt, sau khi về tôi sẽ vận động mọi người trong bản cùng chăn nuôi.” 

 

IMG 1580

 Mô hình trồng cây và nuôi lợn rừng theo hướng hàng hóa ở bản Hua Khắt  

 

Táo mèo (Sơn tra) là loại cây bản địa đa tác dụng, phù hợp với khí hậu, điều kiện lập địa và tập quán canh tác của người dân vùng Tây Bắc, nhất là đồng bào người dân sống gắn bó với rừng tại Yên Bái. Hiện nay, Sơn Tra trở thành một trong những giống cây trồng giúp xóa đói giảm nghèo, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Không những thế, với sức sống mãnh liệt, cây Sơn tra được trồng ở những nương rẫy kém hiệu quả, khô cằn, các diện tích đất trống, đồi trọc, giúp hạn chế sạt lở, xói lở đất vào mùa mưa, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng. Để gia tăng hiệu quả kinh tế, người dân xã Nậm Khắt đã trồng kết hợp giống cây ngắn ngày như ngô trong những diện tích trồng Sơn tra để vừa có thu nhập trong thời gian ngắn từ ngô, vừa có thu nhập bền vững từ cây táo. Đồng thời, mô hình trồng xen canh ngô dưới tán rừng tạo điều kiện để bà con canh tác theo hướng bền vững, hạn chế các thay đổi, tác động bất lợi của thời tiết, cùng với việc bảo vệ và giữ đất rừng. Đây là một trong những mô hình có hiệu quả cả về kinh tế, môi trường và mang tính bền vững trong bối cảnh hiện nay, đem lại cho người dân nơi vùng núi Yên Bái cuộc sống ổn định và ấm no hơn.

 

IMG 1624

Trang trại nuổi cá hồi, cá tầm được xây dựng dược triển khai từ năm 2008, đến nay đã được duy trì hơn 10 năm

 

Men theo đèo Khau Phạ, đoàn tham quan dừng chân tại lưng chừng, nơi trang trại nuổi cá hồi, cá tầm được xây dựng. Đây là một trong những mô hình có quy mô đầu tư lớn, được triển khai từ năm 2008, đến nay mô hình đã được duy trì hơn 10 năm với hơn chục bề nuôi cá hồi, cá tầm. Nguồn nước để nuôi cá được lấy hoàn toàn từ rừng tự nhiên phía sau, nơi có các mô hình trồng sa nhân, thảo quả dưới tán rừng.  Hệ thống rừng tự nhiên - sa nhân, thảo quả - cá hồi, cá tầm có thể coi là một hệ thống tiêu biểu cho hình thức đảm bảo bảo tồn tự nhiên, bảo tồn nguồn nước để phát triển kinh tế hộ, mang lại năng suất và hiệu quả cao. Tuy nhiên, đây là một mô hình khó áp dụng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong chăn nuôi và quản lý tài nguyên rừng, tài nguyên nước. Đại diện trang trại chia sẻ, việc duy trì mô hình này rất khó, mặc dù nguồn thức ăn của cá đều được nhập từ nước ngoài, nguồn nước dồi dào và sạch, nhưng tỉ lệ nuôi thành công là 50%.

 

IMG 1652

Đường vách núi treo leo dẫn vào khu vực Mô hình trồng thảo quả, sa nhân dưới tán rừng 

 

Cuối chuyến tham quan, lãnh đạo, quản lý dự án và cán bộ dự án từ Trung tâm SRD, đại diện Chi cục TT&BVTV tỉnh Sơn đã nhận được những chia sẻ tích cực từ bà con nông dân. Ông Lò Văn Hoan, đại diện xã Chiềng Pha ấn tượng nhất với mô hình quản lý nước: “Tôi rất vui khi được tham quan, học hỏi kinh nghiệm cả 5 mô hình, đặc biệt là công tác bảo vệ rừng và điều tiết nước sinh hoạt. Bản tôi là một trong những bản có điều kiện nước khó khăn, sau khi về tôi sẽ chia sẻ với mọi người trong bản và áp dụng kinh nghiệm phù hợp để thay đổi tình trạng hiện tại” 

 

Đa phần các thành viên đoàn tham quan đều công nhận tầm quan trọng của công tác quản lý bảo vệ rừng, “Dựa vào thực tế địa bàn bản, tôi nhận thấy vai trò quan trọng của công tác quản lý bảo vệ rừng, sau khi về tôi sẽ mang những kiến thức về bản để tuyền truyền cho các hộ dân nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng.” – Ông Lò Văn Tiến, đại diện xã Nậm Lầu chia sẻ. 

 

Với những trải nghiệm và bài học có được sau chuyến tham quan, trung tâm SRD cùng các bên liên quan trong dự án như Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, UBND huyện Thuận Châu và UBND 4 xã sẽ cùng thảo luận và đưa ra phương án phù hợp để áp dụng tại địa phương. 

Đối tác chiến lược ngành in

in bạt