MENU TOP TITLE V A Nông nghiệp bền vữngBiến đổi khí hậuHoạt động mạng lướiVận động chính sáchSự kiện

Đối tác chiến lược của

noi that hoa phat

Kết quả nhỏ, ý nghĩa lớn

Biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam trong những năm gần đây diễn biến bất thường tại tất cả các tiểu vùng khí hậu, với các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng gia tăng về tần suất và thường khó dự đoán. Theo báo cáo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia năm 2018 thì nhiệt độ trung bình tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam hiện tại cao hơn từ 0,5 -1,0°C so với nền nhiệt độ trung bình của các năm trước theo tính toán dựa trên dữ liệu cập nhật của 30 năm trở lại đây. Trên các kênh tin tức, thời sự của đài truyền hình Quốc gia thì ở khu vực ĐBSCL trong vài năm trở lại đây cũng đã và đang phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền, có nơi đến gần 50km. Những tác động mà BĐKH gây ra cho Việt Nam rất đáng được lưu tâm nhiều hơn nữa, khi sự suy giảm về đa dạng sinh học, các hệ sinh thái đang bị phá hủy, tình trạng hạn hán, lũ lụt… đã và đang xảy ra thường xuyên hơn, trực tiếp ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân nói chung và các hoạt động phát triển kinh tế nói riêng.
111
 Sơn La là một tỉnh miền núi nghèo thuộc tiểu vùng khí hậu Tây Bắc của Việt Nam, với dân số khoảng 1,1696 triệu người, trong đó 87% là ở khu vực nông thôn và khoảng 94% là người dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo chiếm từ 40 đến 58%. Địa hình của Sơn La chủ yếu là đồi núi dốc từ 25° trở lên, khí hậu khắc nghiệt khiến vùng này chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu với các hiện tượng như lũ lụt, hạn hán, sương muối, mưa đá theo mùa.

Cũng do tác động từ BĐKH nên sự da dạng sinh học nông nghiệp tại Sơn La đang dần trở nên suy thoái bởi sự lạm dụng các nguồn cây, con giống lai/ GMOs, phân bón hóa học và các loại hóa chất BVTV có độc tố cao. Những thói quen nêu trên đã khiến đất đai nơi đây ngày càng nghèo kiệt, suy thoái. Những loài cây, con giống bản địa ngày càng mai một khiến cây trồng và vật nuôi hiện tại khó chống chọi với sâu bệnh.

Nhằm góp phần chia sẻ những kinh nghiệm và mô hình nông nghiệp thông minh ứng phó với BĐKH cùng tỉnh Sơn La, Trung tâm SRD đã và đang thực thi thí điểm dự án “Bảo tồn và Phát triển đa dạng sinh học nông nghiệp cho nhóm cộng đồng nghèo” tại xã Muổi Nọi và Bon Phặng, huyện Thuận Châu. Dự án này được tài trợ bởi tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (Đức) và Manos Unidas (Tây Ban Nha).

14

Dự án giới thiệu, hướng dẫn và đồng hành cùng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sơn La, UBND huyện Thuận Châu, UBND hai xã dự án và 300 hộ dân tại 8 bản dự án thực hiện những mô hình nông nghiệp thông minh với khí hậu như Canh tác lúa thông minh với khí hậu (CSR), phục tráng hai giống lúa nếp bản địa, chuyển đổi dần canh tác cà phê theo truyền thống sang canh tác theo hướng hữu cơ, hỗ trợ người dân chăn nuôi gà bản địa có sử dụng đệm lót sinh học…Sau hơn hai năm thực hiện, các hoạt động của dự án đã góp phần phục tráng và bảo tồn thành công hai giống lúa nếp Tan Lanh và Tan Nhe với sự áp dụng của hơn 60 hộ gia đình. Sự đa dạng của hệ sinh thái trên đồng ruộng cũng đã tốt hơn với việc xuất hiện trở lại từ 7 đến 11 loài thiên địch (so với 3 – 5 loài trước khi dự án thực hiện). 

Đây là kết quả từ hàng loạt những nỗ lực của SRD cùng những đối tác và người dân trong suốt hơn hai năm, bằng việc sử dụng nhiều hơn phân bón hữu cơ, giảm gần 40% lượng phân bón hóa học, trên 30% lượng hóa chất BVTV cũng như tuyệt đối không sử dụng hóa chất diệt cỏ cháy chứa Glyphosate. Giảm sử dụng các loại phân bón hóa học và xử lý tốt rác thải nông nghiệp đã giúp người dân tham gia góp phần giảm phát thải một số loại khí nhà kính như Nito oxit (N2O), Amoniac (NH4), Metan (CH4).

Người dân cũng đã có ý thức hơn trong việc trồng xen nhiều loại cây họ đậu, lạc hoặc trồng các loại cây gia vị quanh những nương đồi trồng mận và cà phê, qua đó vừa giúp cải tạo đất, chống xói mòn, thoái hóa, vừa có thêm lương thực cho gia đình.

33

Đối với hoạt động chăn nuôi gà, dự án cũng đã hỗ trợ kiến thức và kỹ thuật để gần 170 hộ gia đình tại 8 bản dự án tự tin hơn trong việc bảo tồn và phát triển nuôi gà bản địa bởi yếu tố thích ứng tốt hơn với BĐKH, giá trị sản phẩm cao hơn gà lai nên vừa có thêm thu nhập, vừa đảm bảo được nguồn thực phẩm cho gia đình. Cách thức và quy trình chăn nuôi cũng được cải thiện đáng kể, góp phần giảm thiểu những tác động của BĐKH bằng việc sử dụng men vi sinh và làm đệm lót sinh học. Mô hình này giúp người dân giảm được khá triệt để mùi hôi từ phân thải của gà, từ đó xử lý khá tốt phát thải khí NH4 và CH4.

Những kết quả nêu trên, mặc dù là bước đầu và chưa có đóng góp quá nhiều cho việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính ở cấp độ lớn, nhưng nó cũng đã giúp cho môi trường nói chung và sự đa dạng sinh học, đa dạng nguồn thu nhập và đảm bảo an ninh lương thực khá hơn cho người dân tại các bản thực hiện dự án. Chúng tôi hy vọng trong những năm tiếp theo, các mô hình đang thực hiện sẽ ngày càng được nhân rộng, lan tỏa cũng như những mô hình mới sẽ được chia sẻ và áp dụng nhiều hơn.

Đối tác chiến lược ngành in

in bạt